Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp gián đoạn học tập vì theo đuổi đam mê nhưng không thành đành quay về học tiếp.
Đã có bạn loay hoay mãi, nản chí bỏ học, cũng không tìm được định hướng cho mình.
Nhiều người, trong đó có các bạn trẻ, xem đam mê như chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở tất cả cánh cửa, đưa họ đến đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng nhìn một cách thực tế, đam mê lại là một trong những tác nhân gây nhiễu cực kỳ nguy hiểm trên hành trình chạm mốc thành công, đặc biệt khi bạn chọn dừng học để theo đuổi nó trọn vẹn.
Đi giảng, tôi gặp không chỉ các bạn mới vào mà cả những sinh viên đang học năm cuối chọn dừng học theo đuổi đam mê. Vài năm trước, khi tư vấn tâm lý cho sinh viên, tôi gặp một bạn đang học luật dân sự năm 3 có ý nghĩ xin dừng học vì muốn làm nhiếp ảnh gia. Bạn chỉ muốn tập trung đi phượt, tìm những góc chụp thật độc đáo trong thiên nhiên.
Lắng nghe băn khoăn của bạn, tôi gợi ra bạn đã trải qua 3/4 đoạn đường học tập, dừng lại nghĩa là bạn phải lựa chọn, hoặc tiếp tục hành trình đang đi, hoặc coi như ba năm qua là thời gian vô nghĩa.
Cuộc trò chuyện ấy nhẹ nhàng rằng có thể bạn cảm thấy kiến thức đang học chưa thực tế, nhưng rõ ràng đây là phương án dự phòng hoàn hảo để bạn còn cơ hội trải nghiệm lại nếu chẳng may chưa thành công với đam mê.
Còn nếu kiên quyết đi theo đam mê, bạn hãy nghĩ một cách nghiêm túc về những rủi ro trước khi chạm đến thành công. Sau thời gian nghiền ngẫm, bạn này đã quyết định theo đuổi việc học và tốt nghiệp đúng hạn.
Một lần tình cờ, tôi gặp lại bạn tại văn phòng luật sư trong vai trò tư vấn. Nhận ra tôi, bạn kể sau hai năm liên tục thất bại với ước mơ làm nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thậm chí mang nợ vì studio, bạn quyết định quay lại nghề luật.
Bạn nói biết ơn vì lời khuyên của tôi năm nào, bạn đã có tấm bằng dự phòng để quay lại đúng với lộ trình của đời mình.
Học vốn là câu chuyện của cả đời người, dù không cần đến trường mỗi người vẫn có thể tiếp tục theo đuổi đam mê học tập.
Cứ học thứ bạn thích, chỉ cần biết cách quản lý thời gian. Nghĩa là nếu có đam mê, bạn hoàn toàn có thể duy trì việc học, tự nghiên cứu khi sắp xếp được thời gian hoặc linh hoạt học dồn trong một hai ngày để những ngày còn lại trong tuần đi làm, tích lũy kiến thức cho đam mê.
Thay vì bất chấp chạy theo đam mê, mỗi bạn nên tự hỏi chính mình: Nếu tôi thất bại thì sao? Tôi sẽ mất những gì? Tôi đã trang bị những kiến thức cho ngành học mới? Tôi sẽ làm gì để nuôi bản thân trước khi tích lũy đủ kiến thức?…
Chỉ khi tìm được trả lời cho những băn khoăn ấy, lúc đó bạn mới có thể cân nhắc và xác định hướng đi đúng cho mình.
Nếu đã quyết tâm theo đuổi đam mê, hãy nghĩ đến rủi ro khi không thành công, và bạn đã sẵn sàng đối mặt với thất bại ra sao.
Nguồn: https://tuoitre.vn/that-bai-do-no-vi-dam-me-nhiep-anh-may-truoc-do-khong-bo-hoc-20241003110305052.htm