Nhiều năm “đứng đầu” về tảo hôn
Những năm qua, mặc dù các cấp cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình và huyện Kim Bôi đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ngăn ngừa tình trạng TH-HNCHT và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, đến nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tuy nhiên tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn đang là trăn trở của chính quyền địa phương.
Huyện Kim Bôi có 7 xã khu vực III, 6 xã khu vực II, 4 xã, thị trấn khu vực I, 21 thôn, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, khu vực I và có 9 xã, thị trấn thuộc trọng điểm về quốc phòng (4 xã ATK, 5 xã, thị trấn vùng nội địa). Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 83%, dân tộc Kinh chiếm 14%, còn lại là dân tộc Dao, Tày và dân tộc khác chiếm 3%. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,29%, hộ cận nghèo chiếm 10,03%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 48 triệu đồng.
Năm 2015, toàn tỉnh có 516 trường hợp tảo hôn, trong đó cao nhất là huyện Kim Bôi 125 trường hợp; năm 2017, toàn tỉnh có 399 trường hợp, cao nhất vẫn là huyện Kim Bôi 89 trường hợp. Trước thực trạng này, cả hệ thống chính trị Kim Bôi đã vào cuộc bằng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nhờ đó, tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2021, huyện Kim Bôi còn có 33 trường hợp tảo hôn; năm 2022 là 32 trường hợp; năm 2023 là 28 trường hợp.
Tảo hôn tập trung ở các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Điển hình như tại xã Hùng Sơn, xã có 12 xóm, trong đó có 5 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 95%. Toàn xã có 431 hộ nghèo, chiếm tới 22,7%; hộ cận nghèo 348 hộ, chiếm tới 18,3%.
Theo ông Bùi Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, năm 2021, xã Hùng Sơn có 4 trường hợp tảo hôn, năm 2022 có 3 trường hợp, năm 2023 có 2 trường hợp; năm 2024 có 3 trường hợp. Nhằm giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT, xã Hùng Sơn thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Theo đó, xã giao công chức Tư pháp và công chức Văn hóa cùng các tổ chức, đoàn thể của xã và thôn thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về TH-HNCHT trong các hội nghị thôn, xóm.
“Năm 2023, xã được giao kinh phí 28 triệu thực hiện nội dung Phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719. Xã đã triển khai tổ chức trong 1 ngày với nhiều nội dung như: thi đấu thể thao; giao lưu văn nghệ, tuyên truyền TH-HNCHT bằng hình thức sân khấu hóa có sự tham gia đầy đủ các thôn, xóm. Chương trình có sức lan tỏa rất tích cực, thu hút sự tham gia của nhiều lứa tuổi, nhất là lứa tuổi vị thành niên”, ông Bùi Văn Tình thông tin.
Theo ông Tình, khi phát hiện các trường hợp sắp tảo hôn, công chức Tư pháp và công chức Văn hóa cùng các tổ chức, đoàn thể của xã và thôn, Người có uy tín đến trực tiếp đến gia đình tuyên truyền, vận động; nếu còn cố tình vi phạm thì lập biên bản, răn đe. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp được địa phương tuyên truyền, vận động thành công, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm.
Nguy cơ tảo hôn luôn rình rập
Chúng tôi có dịp trao đổi với nhiều người dân đang thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở UBND xã Hùng Sơn. Khi được hỏi về việc tảo hôn, có một số người hồn nhiên trả lời, cứ cho các cháu cưới nhau, không khai báo và không đăng kí kết hôn là thoải mái. Nhưng cũng có nhiều người nghiêm túc nhìn nhận, tảo hôn là vi phạm pháp luật nên sẽ dặn dò con cháu tập trung học tập, không nên yêu và kết hôn sớm để có tương lại tốt hơn.
Trao đổi về tình trạng này, ông Bùi Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho hay, ảnh hưởng của phong tục tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân; không có việc làm hoặc cần người để làm việc đang là những yếu tố góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Trong khi đó, những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình, thậm chí có nơi không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ.
“Ngoài ra, thời đại bùng nổ thông tin đã tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc sớm với nhiều thông tin trên mạng internet, có thông tin tốt nhưng cũng có nhiều thông tin không lành mạnh, trong khi trẻ thường tự khám phá, dẫn đến không ít trường hợp đi quá giới hạn, có thai ngoài ý muốn”, ông Hòa cho hay..
Điều đáng bàn khác, theo như đại diện phòng Tư pháp huyện Kim Bôi chia sẻ: Hiện nay nhiều bậc phụ huynh do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi làm xa, không sát sao trong quản lý con. Hiện, địa bàn huyện có khoảng 7.000 em nhỏ thuộc diện nguy cơ có bố mẹ đi làm xa. Các em là những đối tượng có nguy cơ dễ bị xâm hại, kết hôn sớm.
Trước tình trạng tảo hôn vẫn còn những diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình và đặc biệt là huyện Kim Bôi đã và đang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và huy động sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình để sớm xóa bỏ tình trạng TH-HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tuổi kết hôn theo quy định pháp luật: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).
Nguồn: https://baodantoc.vn/giam-thieu-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-o-kim-boi-hoa-binh-con-nhieu-tran-tro-bai-1-1727868901019.htm