Cụ thể, danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, hay bị cắt cho vay margin quý 4/2024 trên HOSE gồm 85 chứng chỉ quỹ và cổ phiếu, tăng thêm 6 mã so với danh sách công bố đầu quý 3/2024. Hầu hết là những cổ phiếu nằm trong diện bị cảnh báo, bị kiểm soát hay thuộc diện đình chỉ giao dịch.
Trong đó, có những cổ phiếu một thời khá “hot” như GMC – Công ty CP Garmex Sài Gòn do thuộc diện bị kiểm soát; cổ phiếu ITA – Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo do bị đình chỉ giao dịch; LDG – Công ty CP Đầu tư LDG do lợi nhuận nửa đầu năm 2024 là số âm; NVL – Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) do đang thuộc diện cảnh báo; QCG – Công ty CP Quốc Cường Gia Lai do bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024; VPH – Công ty CP Vạn Phát Hưng do bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024; DQC – Công ty CP Tập đoàn Điện Quang do thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2024; RAL – Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông do vi phạm về pháp luật thuế…
Việc cho vay cầm cố cổ phiếu hay cho vay margin diễn ra sôi động trên thị trường. Điều này giúp nhà đầu tư gia tăng sử dụng đòn bẩy để tìm kiếm lợi nhuận khi giao dịch. Đây cũng là nguồn thu lớn của các công ty chứng khoán. Theo ước tính, dư nợ cho vay margin đến cuối quý 2/2024 tại các công ty chứng khoán đạt hơn 215.000 tỉ đồng và ghi nhận mức kỷ lục cho vay margin trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong cuộc đua hút khách hàng, tăng thị phần, lãi suất cho vay margin tại một số công ty chứng khoán giảm xuống chỉ còn khoảng 8 – 8,5%/năm trong khi lãi suất thông thường dao động từ 9 – 13% tùy nhóm khách hàng. Thậm chí có nhiều gói cho vay ngắn hạn trong vòng 3 – 5 ngày thì lãi suất còn 0%. Đẩy mạnh cho vay margin để tăng nguồn thu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng là lý do để hàng loạt công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn…
Nguồn: https://thanhnien.vn/hose-neu-ten-hang-loat-co-phieu-khong-duoc-phep-cam-co-ky-quy-185241003105321225.htm