Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi thông tin liên quan đến nền văn hóa Óc Eo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này trong giai đoạn hiện nay, định hướng công tác quản lý trong thời gian tới khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ngày 30/9/2024, Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Nền văn hóa Óc Eo – những cung bậc lịch sử và định hình ngày truyền thống văn hóa Óc Eo Nam Bộ”.
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi thông tin liên quan đến nền văn hóa Óc Eo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này trong giai đoạn hiện nay, định hướng công tác quản lý trong thời gian tới khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang cho biết, mùa xuân năm 1944, Louis Malleret – một học giả người Pháp đã chủ trương phát quật một di tích khảo cổ trên cánh đồng hướng Đông núi Ba Thê. Vị trí đó ngày nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông đặt tên cho gò đất đã khai quật là Gò Óc Eo.
Trải qua 80 năm, văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ không ngừng phát triển thông qua các hoạt động khảo cổ học trong nước và quốc tế. Từ sau năm 1975 đến nay, riêng tại tỉnh An Giang đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ học, gần đây nhất là từ năm 2017 – 2020, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức một cuộc khai quật khảo cổ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê với quy mô lớn nhất, có sự tham gia của các chuyên gia khảo cổ học đầu ngành và nguồn kinh phí cũng cao nhất dành cho văn hóa Óc Eo. Kết quả của cuộc khai quật khảo cổ đã thu được nhiều giá trị mới trong di tích và di vật, bổ sung thêm nhiều luận cứ khoa học quan trọng, góp phần bảo tồn và xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho Khu di tích khảo cổ Óc Eo Ba Thê.
80 năm qua, UBND tỉnh An Giang đã tăng cường nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích như: Ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển lãm gốm Óc Eo Nam Bộ lần thứ nhất; khảo sát đưa vào danh sách kiểm kê 84 di tích văn hóa Óc Eo toàn tỉnh; tổ chức trao truyền điệu múa Óc Eo trong học sinh; đề xuất phát hành bộ tem Văn hóa Óc Eo đầu tiên của Việt Nam; hội thi sáng tác và lựa chọn được biểu tượng Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang; hợp tác với Hàn Quốc tổ chức khai quật khảo cổ tại Di tích Gò Cây Trăm, Gò Danh Sang và tổ chức triển lãm quốc tế về văn hóa Óc Eo với hàng ngàn hiện vật tại Hàn Quốc gần 12 tháng, có hàng ngàn khách quốc tế đến tham quan; đề xuất các bảo vật quốc gia thuộc văn hóa Óc Eo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận…
Bên cạnh đó, tỉnh đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn ngày truyền thống văn hóa Óc Eo; tham mưu tổ chức lễ công bố Quyết định số 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tu bổ, bảo quản và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê; đề xuất được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và gia đình ông Louis Malleret thống nhất tặng quyền bản quyền tiếng Việt của bộ sách “Khảo cổ học Đồng bằng Sông Mekong” rất quý, gồm 04 tập, được viết từ năm 1959 – 1963 của Malleret, hiện nay đã tổ chức dịch thuật và in, phát hành xong tập 02, tập 03 và đang tổ chức dịch thuật để tiếp tục in, phát hành tập 01, tập 04 cho đủ trọn bộ 4 quyển sách quý vào năm 2026.
Đặc biệt, được Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn, các cơ quan như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học Việt Nam và sự chỉ đạo hỗ trợ quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các sở, ban, ngành tỉnh An Giang và UBND huyện Thoại Sơn, đến nay, hồ sơ di sản văn hóa thế giới đối với Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê đã hoàn thành giai đoạn 01; chủ đầu tư đang khẩn trương hoàn thành các hồ sơ thủ tục để sẵn sàng tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu lập hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý Khu Di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Theo lộ trình, tỉnh An Giang đang phấn đấu hoàn thành toàn bộ hồ sơ và trình UNESCO vào năm 2026.
Tại Hội thảo, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh, đại diện các sở, ban, ngành, hội tỉnh An Giang đã có nhiều tham luận, thảo luận xung quanh những nghiên cứu mới về văn hóa Óc Eo; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo giai đoạn hiện nay và định hướng cho công tác quản lý di sản văn hóa thế giới; Xây dựng các giá trị di sản văn hóa Óc Eo trở thành sản phẩm du lịch góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh An Giang; Louis Malleret với văn hóa Óc Eo và giá trị của việc hình thành ngày truyền thống văn hóa Óc Eo Nam bộ…/.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/an-giang-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-oc-eo-2024100209044789.htm