Tọa đàm “Xu hướng làm phim của điện ảnh Ý đương đại” là chuỗi những hoạt động chính của Liên hoan Phim Italia 2024 (LHP Ý 2024) tại TP.HCM, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM kết hợp cùng Tổng lãnh sự quán Italia tại TP.HCM đồng tổ chức LHP Ý 2024.
Tham dự sự kiện có ông Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Italia tại TP.HCM, TS.Phạm Huy Quang – Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, Đạo diễn Antonia Termenini – Giám đốc LHP châu Á tại Rome và LHP Ý 2024 tại TP.HCM, và đạo diễn Aaron Toronto – người đứng sau thành công của loạt phim điện ảnh như “Đêm tối rực rỡ” & “Em chưa 18″…; cùng nhiều nhà biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn, đông đảo thầy cô và sinh viên nhà trường.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Phạm Huy Quang, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM nhấn mạnh Tọa đàm “Xu hướng làm phim của điện ảnh Ý đương đại” sẽ cung cấp những kiến thức, thông tin về sự phát triển của điện ảnh Ý trong những năm gần đây, những thay đổi trong phong cách làm phim, nội dung và cách tiếp cận khán giả, những trải nghiệm cá nhân của các chuyên gia/diễn giả từ các dự án phim đã tham gia, cũng như cách mà văn hóa và xã hội Ý ảnh hưởng đến những câu chuyện được kể trên màn ảnh.
“Đặc biệt, tọa đàm sẽ mang đến những thông tin về thị trường điện ảnh thế giới hiện nay, nhiều góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Ý đương đại. Khám phá những xu hướng làm phim mới nhất cũng như những ảnh hưởng của nó đến ngành công nghiệp phim toàn cầu. Và điện ảnh là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Ý”, TS. Phạm Huy Quang nói thêm.
Cùng quan điểm với TS. Phạm Huy Quang, ông Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Italia tại TP.HCM cũng khẳng định vai trò của điện ảnh là một cầu nối văn hóa giữa các quốc gia, góp phần hiểu rõ hơn về thẩm mỹ của hai nước, góp phần làm đậm đà hơn bản sắc văn hóa.
Giám đốc Liên hoan Phim châu Á tại Rome, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan Phim Italia tại Việt Nam Antonia Termenini cho rằng, có thể khán giả Việt Nam hiện sẽ biết nhiều hơn về điện ảnh Châu Âu qua Pháp, Anh, Nga,… mà ít có điều kiện tiếp cận điện ảnh Italia. Tuy nhiên, những thập niên 50-60-70 của thế kỷ trước, điện ảnh Ý với những câu chuyện xã hội Ý trong quá khứ, lịch sử cùng những tên tuổi đạo diễn, nhà sản xuất, ngôi sao từng được cả thế giới biết đến.
Nhưng cơn khủng hoảng điện ảnh châu Âu những năm 70 kéo dài khiến điện ảnh Ý đối mặt với những thách thức. Và hiện nay, điện ảnh của Ý đã không còn xuất hiện ở các LHP nhiều như trước và ít có sức ảnh hưởng với điện ảnh thế giới. Khán giả Việt Nam sẽ biết đến điện ảnh Hàn Quốc, Đài Loan nhiều hơn.
Ông Antonia Termenini cũng cho rằng xu hướng chung của điện ảnh Ý nói riêng và thế giới bây giờ là gia tăng những bộ phim hài, có yếu tố thương mại, hút được người xem; mà không có sự táo bạo, không có chất liệu riêng và người xem nhanh chóng quên đi.
Nói về điện ảnh Việt Nam, ông Antonia Termenini cũng đánh giá điện ảnh Việt Nam hiện có sức sống và sở hữu nhiều phim hay đã được chiếu LHP châu Á tại Rome. Trong thời gian gần đây, điện ảnh Việt Nam có những tác phẩm thắng giải ở các liên hoan phim lớn quốc tế như “Người vợ ba” (Toronto), “Ròm” (Busan), “Vị” (Berlin),…
Nguồn: https://toquoc.vn/dien-anh-viet-nam-hien-co-suc-song-va-so-huu-nhieu-phim-hay-20241002165522855.htm