Tên lửa liên lục địa Yars RS-24 của Nga.
Ngày 28/4, Điện Kremlin đã bác bỏ thông tin rằng Nga đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh tất cả các bên đang tiếp tục tuân thủ lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng hạt nhân giữa Nga và Mỹ đã gia tăng kể từ khi Moskva bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân nếu cần thiết để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của nước này.
Hồi tháng 2 vừa qua, ông Putin tuyên bố Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Hiệp ước được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí, Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov nêu rõ Moskva thấy cần phải bình ổn quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân và không từ chối khả năng đạt được các hiệp ước an ninh mới với phương Tây trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, ông Yermakov khẳng định: “Cấu trúc an ninh quốc tế không nên chỉ là lời nói suông, mà thay vào đó, các bên cần cân nhắc lợi ích cơ bản của nhau. Muốn vậy, trước hết cần ổn định quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân – là các nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – và gánh trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh toàn cầu.”
Theo ông Yermakov, nếu Mỹ và các đồng minh sẵn sàng cho một cam kết như vậy, sẽ có cơ hội cho những thỏa thuận mới, khả thi trong các lĩnh vực ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí.
Ông cũng cho biết thêm rằng Nga “không bao giờ từ bỏ khả năng như vậy trong tương lai,” sau khi đạt được các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt đang diễn ra tại Ukraine./.
Theo TTXVN