Không chỉ thuận tiện trong khám chữa bệnh khi thay thế được thẻ BHYT, với sự tích cực triển khai của lực lượng công an và sự phối hợp của các cơ sở thuộc nhiều ngành, nghề khác nhau, CCCD gắn chip đang ngày càng phát huy các tiện ích trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khách sạn Pusan Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) có 28 phòng, vào dịp cao điểm như nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, có thời điểm trong ngày, nhiều đoàn khách cùng đến một lúc. Trước kia, mỗi khi có khách đến nhận phòng, anh Vũ Xuân Hải (lễ tân khách sạn) phải thao tác thủ công nhập thông tin của từng khách lên phần mềm thông báo lưu trú, vì thế có lúc không tránh khỏi hiện tượng nhầm lẫn, dẫn đến hệ thống bị treo hoặc quá tải.
Hơn 1 tháng qua, việc làm này của anh Hải đã được giảm tải, bởi chỉ cần quét QR code trên CCCD gắn chip qua máy quét, thông tin của khách sẽ được tự động cập nhật lên hệ thống thông báo lưu trú tự động. Các vấn đề trục trặc của hệ thống cũ đã được giải quyết.
Khách sạn Pusan Hạ Long là một trong 10 khách sạn trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn) được Công an tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm đợt đầu hệ thống thông báo lưu trú tự động, từ đầu tháng 4/2023. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 cơ sở lưu trú triển khai hệ thống này (mở rộng thêm 5 cơ sở tại huyện Đầm Hà và huyện Hải Hà).
Đây là phần mềm do Bộ Công an phát triển, áp dụng cho công dân Việt Nam. Thông qua việc quét QR code trên CCCD gắn chip, hệ thống sẽ cung cấp dữ liệu online tới cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rõ thời gian nhận và trả phòng của khách. Do đó, phục vụ đắc lực cho lực lượng công an khi cần truy tìm, nhận dạng các đối tượng có liên quan khi điều tra, khám phá án.
Không chỉ trong lĩnh vực lưu trú, CCCD gắn chip cũng đang dần phát huy tối đa tiện ích trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Ninh vừa đưa vào vận hành máy ATM đa năng (CRM), khắc phục hoàn toàn các nhược điểm (chậm, dễ lỗi) của máy cũ. Với máy ATM mới này, thay vì phải mang theo nhiều loại giấy tờ, hay thực hiện các thủ tục phức tạp tại quầy giao dịch, người dân đã có thể thực hiện rút, nộp tiền, chuyển khoản chỉ bằng thẻ CCCD gắn chip. Việc có thêm cơ chế xác thực bằng khuôn mặt, vân tay khi dùng CCCD gắn chip để thực hiện các giao dịch tài chính tại ATM cũng giúp mức độ bảo mật tăng lên nhiều lần.
Chị Lương Thị Huyền Trang (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết: Chỉ mất 1-2 phút tôi đã hoàn tất giao dịch rút tiền bằng CCCD gắn chip tại cây ATM, tôi thử nộp tiền, quy trình cũng rất nhanh. Như vậy là từ nay, tôi không cần đem theo thẻ ngân hàng, cũng không cần đến quầy giao dịch vào giờ hành chính, mất thời gian chờ đợi, điền tờ khai. Cá nhân tôi thấy thuận tiện vô cùng.
Chế độ bảo mật của CCCD gắn chip khi thực hiện giao dịch tại cây ATM cao hơn so với thẻ ATM thông thường, bởi thông tin trên chip bảo mật phải được đối sánh và đảm bảo trùng khớp thông tin của chủ thẻ. Khi người dùng thực hiện các giao dịch, hệ thống camera sẽ chụp khuôn mặt của khách hàng với ảnh trên CCCD để xác thực và kết nối với tài khoản mở tại ngân hàng.
Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong cả nước trong việc thực hiện Đề án 06, với nhiều giải pháp đẩy mạnh cấp CCCD gắn chip và xác thực định danh điện tử mức độ 2.
Theo thượng úy Bùi Việt Đức, chuyên viên Đề án 06, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), đến thời điểm hiện tại Quảng Ninh đã triển khai hệ thống xác thực QR code CCCD gắn chip tại các phòng công chứng để phục vụ xác thực thông tin khi lập và công chứng hợp đồng cũng như các loại giao dịch liên quan. Ngoài ra, lực lượng công an cũng đang đẩy mạnh triển khai quy trình đưa hệ thống quét QR code CCCD gắn chip vào hoạt động tại các cảng, bến, khu du lịch, loại bỏ hình thức in vé giấy như truyền thống, vừa bảo vệ môi trường, vừa quản lý khách ra vào được chính xác, nhanh chóng, thuận tiện. Qua việc triển khai thí điểm ở một số cơ sở lưu trú, ngân hàng, Công an tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, phát huy tiện ích của CCCD gắn chip.