Hơn 20 vở diễn sẽ tranh tài trong đợt Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, đơn vị thực hiện là Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ khai mạc ngày 25-10 đến 12-11 tại Nhà biểu diễn, Trung tâm Văn hóa thành phố, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Hướng đến sự tìm tòi, đổi mới
Tối 30-9, Nhóm nghệ sĩ Hoàng Hải – một đơn vị xã hội hóa đã biểu diễn phúc khảo vở cải lương sử Việt “Người mang 9 án tử” (tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể cải lương Võ Tử Uyên, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Trước đó, các vở cải lương “Đêm giao thừa”, “Truyền tích Cổ Loa xưa”, “Khúc tráng ca thành Gia Định”… đã ra mắt, tạo sự chú ý đối với giới chuyên môn và khán giả.
Hiện một số vở còn trên sàn tập như: “San hô đỏ”, “Chói rạng sơn hà”, “Anh hùng”, “Mưa nguồn”… Bên cạnh đó, ê-kíp đạo diễn Lê Nguyên Đạt còn tham gia dàn dựng 2 vở cho đoàn tỉnh gồm Nhà hát Tây Đô và Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai.
Chưa bao giờ sàn diễn lại nóng lên với lịch tập dày đặc. Đây được xem là tín hiệu vui cho sàn diễn cải lương tại TP HCM sau thời gian các đơn vị trong và ngoài công lập diễn vở cũ.
NSƯT Ca Lê Hồng đánh giá rằng liên hoan nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cải lương trong giai đoạn hội nhập. “Chính vì nỗ lực hội nhập, các đoàn đã cố gắng tìm tòi cái mới từ kịch bản cho đến hình thức biểu diễn. Qua đó, phát hiện những tài năng về nghệ thuật truyền thống; động viên các diễn viên, nghệ sĩ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cải lương Việt Nam” – NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
Đối với các nghệ sĩ của các đoàn xã hội hóa, 2/3 vở diễn tham dự liên hoan đến từ TP HCM còn là dịp để các cơ quan chức năng quản lý đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên hiện nay, từ đó đưa ra giải pháp bồi dưỡng, đào tạo phù hợp cho lực lượng này trong thời gian tới.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng liên hoan sẽ tạo điều kiện để các nghệ sĩ, diễn viên của TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước được giao lưu, học tập, từ đó trau dồi, nâng cao chuyên môn, bổ sung nguồn lực trẻ và mới cho nghệ thuật sân khấu cải lương.
“Tìm tòi hình thức mới trong dàn dựng, tìm ra những phương thức mới để đưa cải lương đến gần hơn với các giá trị hội nhập, vận dụng công nghệ, nhất là những cách làm mới để âm nhạc cải lương mang tiết tấu trẻ trung, hiện đại nhưng vẫn giữ được tính truyền thống là một thách thức đối với người làm nghề. Thành phố là trung tâm văn hóa lớn, năm nay liên hoan có nhiều đơn vị nghệ thuật của thành phố tham gia, chứng tỏ sự chuẩn bị để vươn tới nhiều sáng tạo mới” – NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Sau liên hoan cần tăng cường quảng bá
Không để liên hoan rơi vào trạng thái “ngủ đông” sau mùa thi, các vở cải lương được dàn dựng đều có suất diễn trước và sau khi tranh tài tại TP Cần Thơ. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết vở “Chói rạng sơn hà” sẽ công diễn tối 5-10, sau đó vở “Truyền tích Cổ Loa xưa” sẽ diễn tối 6-10 để “đo” khí thế của khán giả cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi về 2 vở sử Việt được dàn dựng theo phong cách mới.
NSƯT Lê Trung Thảo lần này đã quyết định làm “3 trong 1” gồm: tác giả, đạo diễn và diễn viên chính trong một vở nói về nhân vật Lê Quýnh nhằm tạo điểm cộng cho nỗ lực làm mới cho sàn diễn cải lương thông qua nhân vật sử Việt.
Vấn đề hậu liên hoan đã được các nghệ sĩ và nhà tổ chức nghĩ tới, không thể đem vở diễn cất vào kho, mà phải thực hiện công tác quảng bá. Đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt mùa thi này dựng 3 vở cải lương: “Đồng chí”, “Chất ngọc Cầm Thi Giang” và “Chói rạng sơn hà”. Dù dàn dựng cho các đơn vị nghệ thuật tại TP HCM và các tỉnh nhưng anh cũng mong sẽ được quảng bá tác phẩm tại TP HCM, góp phần tạo cú hích cho sàn diễn cải lương sáng đèn sau mùa liên hoan.
Điều khiến các nhà chuyên môn đánh giá cao chính là các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập đã dốc sức để mang lại thành quả cho công tác đào tạo. NSƯT Hoa Hạ chia sẻ: Khi dàn dựng vở “Người mang 9 án tử”, bà chú tâm đến việc rèn luyện các diễn viên trẻ để họ đủ tự tin đảm nhận các vai diễn khó của một tác phẩm sử Việt.
Đã từng dàn dựng thành công và đạt hiệu quả doanh thu, chất lượng nghệ thuật cho các vở: “Trung thần”, “Khúc tráng ca thành Gia Định”, “Cô đào hát”, “Nàng Xê Đa”… và hiện nay là “Người mang 9 án tử”, bà kỳ vọng sẽ có thêm nguồn diễn viên diễn sử Việt giỏi nghề và nỗ lực đúc kết nhiều sáng tạo hơn nữa cho hành trang nghệ thuật.
NSƯT Ca Lê Hồng phân tích: “Tham dự liên hoan là một dịp để các đơn vị nghệ thuật tại TP HCM đạt 3 mục tiêu: rèn luyện nguồn nhân lực mới; nhận diện đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc công, thiết kế sân khấu, phục trang trẻ trung và góp phần nâng cao ngòi bút của đội ngũ lý luận phê bình sân khấu cải lương.
Nguồn: https://nld.com.vn/san-dien-cai-luong-tp-hcm-no-luc-tim-toi-sang-tao-196241001202804418.htm