Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), thành phố Hà Nội sẽ tổ chức hơn 50 chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Một trong những điểm nhấn chính là chuỗi sự kiện mang tên Hà Nội – Chạm miền ký ức.
Theo BTC, chuỗi chương trình sự kiện này là sự đan xen giữa thời gian, không gian, văn hóa nghệ thuật và hiện thực. Tại Vườn Âm Nhạc (Nhà hát Lớn Hà Nội), không gian Hà Nội thời bao cấp sẽ được tái hiện thông qua khung cảnh phố phường, toa xe điện leng keng, những đồ dùng sinh hoạt gia đình ngày nay không còn thấy trong đời sống…
Sự kiện chính thức bắt đầu vào ngày 5/10 và kéo dài đến hết ngày 31/10. Những chiếc vé vào cửa để trải nghiệm chuỗi hoạt động của chương trình sẽ được mô phỏng hình thức tem phiếu thời bao cấp.
Đặc biệt, hai đêm nhạc “Phú Quang – Tình yêu ở lại” (diễn ra vào tối 25/10 và 26/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) sẽ là điểm nhấn của chuỗi sự kiện với sự tham dự của những giọng ca xuất sắc, đã gắn liền với nhiều bản tình ca của Phú Quang: NSND Tấn Minh, Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh, Quang Minh (nhóm OPlus)…
Nắm giữ vai trò giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ: “Chúng tôi chọn chủ đề là Tình yêu ở lại, đó là tình yêu con người, tình yêu đôi lứa, tình yêu Hà Nội. Các bài hát đều được phối khí mới mẻ tạo cảm xúc cho cả ca sĩ thể hiện và khán giả”.
Trong khi đó, NSND Tấn Minh từng nhiều lần khiến khán giả rưng rưng khi trình bày các tình khúc của Phú Quang. Chia sẻ với Dân Việt, anh từng cho biết: “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được đồng hành với chú trong nhiều năm qua, trước khi chú qua đời. Tôi cũng thấy rất may mắn vì trong sự nghiệp âm nhạc của mình có thể gặp được chú, người tôi có thể hiểu được mọi tâm tư, tình cảm trong tác phẩm.
Quan trọng nhất là âm nhạc của chú phù hợp với con người tôi. Cũng chính vì sự phù hợp đó mà tôi vô cùng yêu, yêu đến tận cùng các tác phẩm của chú. Tôi cũng hứa rằng, tôi sẽ luôn hát những bài hát của chú, hát đến khi nào cảm thấy sức lực không còn hát được nữa thì thôi”.
Chương trình cũng mang tới những giọng ca ít hát nhạc Phú Quang trước đó như Khánh Linh, Hồ Quỳnh Hương. Chia sẻ về lựa chọn này, nhạc sĩ Giáng Son cho biết những người chưa hoặc ít hát nhạc Phú Quang cũng sẽ có cách “cảm” và sự sáng tạo khác nhau, mang đến sự đa dạng trong cách thể hiện.
Trước câu hỏi về việc chất giọng của Khánh Linh liệu có hợp với những tự sự trong tình khúc Phú Quang, nữ ca sĩ chia sẻ: “Âm nhạc của Phú Quang cũng có sự nhẹ nhàng và bay bổng, chứ không phải lúc nào cũng là sự giằng xé, đau khổ, quằn quại… Không thể phủ nhận sự thành công của các anh chị đi trước khi thể hiện các nhạc phẩm của Phú Quang, tuy nhiên tôi cũng có góc nhìn và cảm nhận khác về âm nhạc của ông, ở đó là những lời thì thầm, dịu dàng, sâu lắng”.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Ông từng học tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chuyên ngành kèn và chỉ huy dàn nhạc. Năm 1982, nhạc sĩ công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Năm 1986, ông chuyển công tác sang Phòng Ca múa nhạc, Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông được mệnh danh là nhạc sĩ của Hà Nội với một loạt tác phẩm đi cùng năm tháng như: Em ơi Hà Nội phố, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa Đông, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Hà Nội ngày trở về…
.
Nguồn: https://danviet.vn/nghe-si-nhan-dan-tan-minh-ho-quynh-huong-mang-tinh-yeu-o-lai-20241002063000978.htm