DNVN – Từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị Thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam. Kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam cũng mở rộng sang lĩnh vực đổi mới AI, sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ AI của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương.
Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta đã có chuyến công tác tại Việt Nam vào ngày 30/9 và 1/10 nhằm thúc đẩy cam kết của Meta đối với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Trong chuyến công tác, ông Nick Clegg đã gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành, tham gia các cuộc đối thoại với cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp, nhấn mạnh cam kết của Meta trong tiến trình hỗ trợ Việt Nam phát triển để trở thành nền kinh tế số hàng đầu Đông Nam Á.
Cuộc gặp giữa ông Nick Clegg và Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung vào các lĩnh vực then chốt, bao gồm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Nick Clegg bày tỏ cảm kích trước sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho Meta đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi số của đất nước. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ các kế hoạch của Meta nhằm mở rộng các mục tiêu hỗ trợ dành cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.
Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu Tập đoàn Meta.
“Việt Nam tiếp tục là một quốc gia quan trọng đối với Meta. Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng nền tảng của chúng tôi để kết nối với khách hàng mới, tương tác với bạn bè và gia đình, cũng như đóng góp cho cộng đồng địa phương. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam củng cố vị thế dẫn đầu về kinh tế số thông qua sáng kiến Công nghiệp 4.0 của Chính phủ. Thông qua việc mở ra các cơ hội tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm đổi mới, Meta hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự thịnh vượng của kinh tế đất nước và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số”, ông Nick Clegg chia sẻ.
Nhân dịp này, ông Nick Clegg cũng công bố kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam. Từ năm 2025, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị Thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam. Quyết định này nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong hệ sinh thái sản xuất của Meta. Kế hoạch mở rộng dự kiến sẽ tạo ra tới 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu đô la Mỹ cho nền kinh tế Việt Nam.
Kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam cũng mở rộng sang lĩnh vực đổi mới AI. Là một phần trong chiến lược AI toàn cầu, Meta sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta AI bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ AI của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương. AI dành cho doanh nghiệp trên Messenger đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ tháng 6/2024 và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay.
Những sáng kiến này là một phần của nỗ lực toàn diện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà phát triển Việt Nam khai thác tiềm năng của AI và sử dụng công nghệ này để phát triển và đổi mới. Quan hệ hợp tác đang diễn ra của Meta với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là minh chứng cho cam kết này, với khóa đào tạo tín chỉ về AI dành cho sinh viên dự kiến triển khai vào tháng 3 năm 2025. Chương trình này sẽ nâng cao kỹ năng cho các giáo viên và sinh viên trong việc sử dụng sản phẩm và trải nghiệm AI một cách an toàn và có trách nhiệm.
Cam kết của Meta trong việc thúc đẩy sự phát triển của AI cũng được thể hiện qua vai trò đối tác chiến lược và đơn vị đồng tổ chức của Meta cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Chương trình đã khẳng định vai trò quan trọng của AI trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, phù hợp với mục tiêu của Meta trong tiến trình nuôi dưỡng các nền kinh tế tri thức.
Thông qua hợp tác với các tổ chức và nhân tài trong nước, Meta mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về phát triển AI cả trong khu vực và trên toàn thế giới.
Nguyên Đức
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/meta-cam-ket-mo-rong-san-xuat-tai-viet-nam-tao-them-hang-nghin-viec-lam/20241002061134860