DNVN – Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định hiện khâu chuẩn bị của các dự án như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… vẫn chưa xong, phải có lộ trình tính toán kỹ. Thông tin này được cho là sẽ tác động đến thị trường bất động sản khu vực Đông Anh trong ngắn hạn.
Năm 2024 chưa xây cầu Tứ Liên
Trước hàng loạt thông tin trên mạng xã hội và một số kênh thông tin khác về việc Hà Nội sẽ khởi công xây cầu Tứ Liên vào cuối năm 2024, ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) cho hay, cầu Tứ Liên là công trình giao thông quan trọng nằm trong Chương trình 03 – CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Vừa qua, Sở GTVT đã phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ liên theo hình thức PPP (đối tác công tư).
Phương án kỹ thuật cho thấy, cầu Tứ Liên nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ với chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km; đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km, tổng mức đầu tư dự kiến 22.000 tỷ đồng.
Phối cảnh cầu Tứ Liên.
Dự kiến, Sở GTVT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội sẽ triển khai phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu. Huyện Đông Anh sẽ làm chủ đầu tư phần từ Quốc lộ 5 đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Tuy nhiên tính đến tháng 9/2024, UBND TP Hà Nội mới có thông báo giao lại dự án cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu thành phố chuyển dự án này sang hình thức đầu tư công chứ vẫn chưa giao nhiệm vụ chính thức.
Liên quan đến tiến độ dự án, một lần nữa, ông Phan Trường Thành khẳng định, Hà Nội đang tập trung toàn lực cho dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô nên chưa xác định nguồn vốn thực hiện đầu tư cầu Tứ Liên tại thời điểm này. Dự án cầu Tứ Liên có thể còn chậm hơn do còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, chuẩn bị.
Bên cạnh đó, qua khảo sát kỹ thuật, việc thi công xây dựng còn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn đê sông Hồng; khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, nhất là khu vực đầu cầu trên địa bàn quận Tây Hồ. cần phương án kỹ thuật cụ thể, thiết kế cơ sở… Đây là những vấn đề khó đặt ra với cơ quan chuyên môn của Hà Nội.
Về tính khả thi của dự án cầu Tứ Liên, thành phố Hà Nội đang cùng lúc triển khai nhiều dự án lớn như cầu Mễ Sở, Hồng Hà (trên vành đai 4), Vân Phúc, Ngọc Hồi, Thượng Cát…, dự án nào hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước thì triển khai trước để tận dụng hiệu quả nguồn vốn.
Đặc biệt sau bão Yagi, Hà Nội đang phải tập trung xử lý một loạt công trình cầu yếu, cầu tạm do đó, những dự án như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… khâu chuẩn bị đầu tư chưa xong, việc xây mới những cây cầu này phải có lộ trình tính toán kỹ vì dự án đang sử dụng vốn ngân sách.
Tác động lớn đến thị trường bất động sản khu vực Đông Anh trong ngắn hạn
Ngay sau khi đại diện Sở GTVT Hà Nội lên tiếng khẳng định những dự án như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo… khâu chuẩn bị đầu tư chưa xong, thực tế đã nhanh chóng tác động đến tâm lý nhà đầu tư bất động sản khu vực Đông Anh vốn đang rất “nóng” trong vài tháng trở lại đây, đặc biệt là nhà đầu tư đang quan tâm đến một dự án lớn là Vinhomes Cổ Loa của Vingroup với giá rao bán lên tới vài trăm triệu đồng/m2.
Cụ thể, cầu Tứ Liên tuy không nằm trong dự án Vinhomes Cổ Loa nhưng cây cầu này đang được xem sẽ là một “cú hích” lớn cho toàn bộ dự án. Dự án cầu Tứ Liên có thế mạnh về vị trí khi được xây dựng tại khu vực giao cắt giữa sông Hồng và sông Đuống, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho “siêu dự án” của tập đoàn Vingroup trở nên bứt phá, được nhiều môi giới sử dụng để quảng cáo trên mạng xã hội cũng như nhiều kênh thông tin nhằm thu hút người dân có nhu cầu mua bất động sản.
Khi cầu Tứ Liên hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ Đông Anh đến trung tâm thành phố qua Nghi Tàm (Tây Hồ), thời gian di chuyển chỉ khoảng 10 phút, tạo thành một hệ thống giao thông huyết mạch, nối liền nhiều khu vực trọng điểm. Đồng thời, cư dân tương lai cũng dễ dàng tiếp cận với hệ thống tiện ích đồng bộ tại khu vực trung tâm.
Có thể thấy rằng, cây cầu Tứ Liên có vai trò hết sức quan trọng góp phần vào sự thành công của toàn bộ dự án, việc bị chậm lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư đang xem xét “xuống tiền” tại khu vực Đông Anh.
Theo một chuyên gia bất động sản, việc thành phố Hà Nội chưa xây dựng cầu Tứ Liên trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản khu vực Đông Anh ở một số khía cạnh:
Giao thông kết nối hạn chế: Cầu Tứ Liên dự kiến sẽ nối liền khu vực Đông Anh với trung tâm Hà Nội, giúp giảm tải áp lực giao thông và rút ngắn thời gian di chuyển. Khi cầu chưa được xây, cư dân và nhà đầu tư tại phía Đông Anh sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển vào nội đô, đặc biệt là trong giờ cao điểm sẽ vẫn phải đi đường vòng với những cây cầu cũ ở khá xa. Điều này sẽ gây cản trở trong việc thu hút cư dân có nhu cầu mua thực sự để ở đến sinh sống thay vì “chỉ 10 phút” như kỳ vọng.
Chậm phát triển hạ tầng xung quanh: Các dự án hạ tầng lớn như cầu Tứ Liên thường kích thích sự phát triển kinh tế và bất động sản của khu vực, việc chưa xây cầu có thể làm chậm lại tiến độ xây dựng các tiện ích khác và các dự án phụ trợ xung quanh, làm giảm giá trị bất động sản khu vực này so với tiềm năng thực sự.
Cùng đó, giá trị bất động sản tại khu vực phía Đông Anh có thể bị ảnh hưởng do chưa có sự kết nối trực tiếp với các khu vực phát triển khác của Hà Nội. Các nhà đầu tư thường kỳ vọng hạ tầng sẽ hoàn thiện nhanh chóng để gia tăng giá trị tài sản nhưng việc cầu Tứ Liên bị trì hoãn, khả năng tăng giá có thể chậm lại.
“Nói chung, những người có ý định đầu tư hoặc mua nhà ở đây có thể bị ảnh hưởng bởi lo ngại về việc thiếu kết nối giao thông. Điều này có thể khiến nhu cầu mua bất động sản tại dự án tạm thời giảm sút cho đến khi hạ tầng giao thông, đặc biệt là cầu Tứ Liên được xây dựng”, chuyên gia này khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/bat-dong-san/so-giao-thong-van-tai-ha-noi-thong-tin-ve-viec-xay-cau-tu-lien/20240930091854850