Chị Mỹ Dung, 33 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM, kể từ phát ngôn “Mẹ ơi, mẹ thấy quyết định cho con nghỉ học đúng chưa?” của Rapper Negav gây bức xúc, chị nhớ ngay đến cậu bạn thân từ cấp 2 của mình.
Hè rồi, sau gần 20 năm gặp mặt lại thầy cô, cậu học trò thành đạt nhất lớp này từ chối ủng hộ trường làm sân khấu hoàn tráng, tổ chức tiệc tùng xa hoa, đi chơi đây đó như đề xuất của mọi người.
Cậu chỉ đồng ý gửi tặng trường 20 suất học bổng dành cho học sinh khó khăn, 10 bộ máy tính và sửa lại phòng thư viện trường với tổng chi phí gần 200 triệu đồng để các em nhỏ có cơ hội học tập.
Chị Dung cho hay, đây là người bạn học thành đạt, giàu có nhất không chỉ ở trong lớp mà có thể nói là cả trường từ trước đến nay.
Cậu bạn chủ một công ty nội thất lớn ở TPHCM với hàng trăm nhân viên, rất giàu có. Về vị thế và kinh tế, phải nói bạn có khoảng cách vượt xa so với bạn bè cùng trang lứa.
Chị Dung tiết lộ người bạn của mình là người chủ động chọn con đường… nghỉ học sớm. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, hầu hết bạn bè theo đại học thì cậu vào TPHCM làm thuê tại công ty nhôm kính.
Người bạn biết khả năng học của mình có hạn, rất khó để đậu vào trường đại học như ý. Hơn nữa, gia đình khó khăn, biết mình đi học bố mẹ sẽ rất vất vả nên cậu chọn sớm đi làm kiếm tiền.
Tuy không theo con đường học hành chính quy nhưng chị Dung biết bạn mình học nghề, làm nghề cực kỳ nghiêm túc, chỉnh chu.
Những năm đi làm thuê ở xưởng nhôm kính, hết giờ nhân viên ra về thì cậu ở lại học từ những người lớn tuổi đi trước hoặc tự mày mò thực hành.
Cuối tuần, cậu xin đi làm không lương để học việc từ những người làm quản lý. Thời gian đó, cậu đổ công sức, học hành còn hơn cả bạn bè học đại học, cao học.
Đặc biệt, cậu bạn làm gì cũng cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm. Từ lắp cái bàn, cái ghế, cái kệ tivi cho khách cũng phải làm sao cho đẹp nhất, tốt nhất, tiện lợi nhất chứ không phải làm cho xong để lấy tiền.
Công ty chị Dung từng thuê bạn này phụ trách nội thất văn phòng. Sếp chị còn kêu, khách không đòi hỏi thì thôi, người làm lại cẩn thận từng li từng tí.
Lắp một cái ổ điện, bạn cũng phải xem đặt ở đó có phù hợp chưa, an toàn chưa, thẩm mỹ chưa. Có chút lấn cấn, dù mọi thứ đã xong xuôi cậu cũng gỡ ra lắp lại bằng được.
Chứng kiến hành trình này, chị Dung hiểu tại sao từ một nhân viên chỉ học hết lớp 12 bạn mình trở thành người làm chủ thành công. Giờ là chủ, cậu vẫn đích thân ra công trường lắp ráp, kiểm tra.
Theo chị Dung, bạn mình dù nghỉ học nhưng chưa bao giờ ngừng học hỏi lại thêm tinh thần chịu khó, trách nhiệm, khiêm tốn.
Bỏ học ở đây có thể hiểu là học ở trường lớp. Có thể có những người không phù hợp với việc học ở trường, họ thấy con đường học tập khác phát huy được năng lực hơn.
Chị Dung không “ném đá” lời nhắn “Mẹ ơi, mẹ thấy quyết định cho con nghỉ học đúng chưa?” của Rapper Negav bởi với chị đó chỉ dừng lại ở câu chuyện, quan điểm cá nhân.
Theo chị, nhiều người phẫn nộ bởi phát ngôn này được nói trước khoảng 20.000 khán giả và trong nội dung, người nghe thấy cả sự hạn hẹp, nông cạn của một bạn trẻ nghỉ học sớm lấy việc đó ra làm niềm tự hào.
Tư tưởng “không cần học vẫn thành công” thật ra không chỉ chờ đến lời nhắn gửi mẹ của Negav mà được nhắc đến lâu nay trước thực tế nhiều bạn trẻ mang tư tưởng bài trừ việc học.
Phó giáo sư tại một trường đại học ở TPHCM chia sẻ, không chỉ với những người nghỉ học sớm mà ngay cả nhiều sinh viên đang ngồi ở ghế giảng đường đại học cũng mang tư tưởng “thành công không cần học”, “chỉ cần kiếm được nhiều tiền”… Tư tưởng này cực kỳ nguy hiểm khi không ít bạn trẻ lao vào làm giàu bất chấp, bất chính.
Theo ông, một nhân vật sinh viên thường đưa ra để bảo vệ cho quan điểm “bỏ học vẫn thành công” là tỷ phú Bill Gates.
Vậy nhưng, nhiều bạn chỉ biết đến đó, không nhiều bạn chịu khó đọc, tìm hiểu hành trình trở thành tỷ phú của Bill Gates gian nan như thế nào.
Không ít sinh viên không biết rằng Bill Gates có những nền tảng quan trọng như ông học rất giỏi, có tài năng; gia đình giàu có… Và đặc biệt, ông nghỉ học ở trường Harvard vì quá bận bịu với việc học tập, công việc, sáng tạo từ thực tế đến mức không còn thời gian để học ở trường đại học.
Theo nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập hệ thống giáo dục TOMATO, không phải thành công nào cũng đến từ việc học.
Nhưng sẽ thật ngây thơ khi tin vào chuyện “bỏ học để thành công”, khi mà bản thân mình thì làng nhàng chưa được ai công nhận cả trong những việc bình thường và nhất là khi cha mẹ còn phải gồng gánh mình còng lưng.
Theo bà Phương, học đúng nghĩa rất mất thời gian và mất sức, còn có nhiều con đường đi tắt đến thành công mà không cần học. Nhưng mục đích của việc học, đôi khi không phải để thành công hay thành đạt, mà học trước hết là để thành người.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/phat-ngon-cua-rapper-negav-va-chuyen-cau-ban-bo-hoc-giau-nhat-lop-20240930112425643.htm