Chứng kiến nhiều đại án về những doanh nhân tìm mọi cách luồn cúi, sẵn sàng làm “bãi đáp”, “sân sau” cho quan tham để làm giàu, tôi không tránh khỏi ác cảm. Thế nhưng, khi đọc tâm thư của con gái chủ hãng xe Thành Bưởi, tôi phải “đằm” lại ngòi bút.
Hãng Thành Bưởi tổ chức những chuyễn xe 0 đồng giúp vận chuyển hàng hóa cứu trợ người dân miền Bắc bị nạn trong siêu bão Yagi vừa qua |
Thương hiệu đơn giản mà ẩn tình sâu
Thú thực, khi đọc những thông tin trên báo, những văn bản của cơ quan chức năng với ngôn từ khô khan, về việc tài xế hãng xe Thành Bưởi (Công ty TNHH Thành Bưởi) gây tai nạn làm chết 5 người; việc người con chủ hãng bỏ qua quy trình kiểm tra bằng lái, đo nồng độ cồn tài xế trước khi xuất bến… ngòi bút của tôi rung lên. Cảm xúc lúc đó là sự phẫn nộ với một hãng xe dường như vô cảm với mạng người.
Nhưng khi tôi đọc được những dòng tâm thư của con gái ông Thành, như một lời đưa tiễn người cha về nơi chín suối (ông Lê Đức Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi mất ngày 5/9/2024), cảm xúc ban đầu chợt lắng lại.
Hàng ngàn comment trên cả Facebook dưới tâm thư, hay cả trên báo chính thống, với lời chia tay, những câu chuyện cũ xúc động, lời cảm ơn, tiếc thương ông Thành khiến tôi phải đọc thật kỹ, thật chậm tâm thư đó, rồi nể trọng.
Được biết, thương hiệu Thành Bưởi đình đám, chỉ đơn giản là tên ghép giữa người chồng và vợ (bà Nguyễn Thị Bưởi). “Bố là tài xế, mẹ là lơ xe” chung lưng đấu cật từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, lặn lội ngang dọc kiếm sống, nuôi con, trải qua bao gian nan, phấn đấu lập nên cơ nghiệp.
Thành công bằng những giọt mồ hồi nhễ nhại
Tâm thư của người con gái khắc họa cả một quá trình “start-up” của người cha và người mẹ. Từ chiếc xe 16 chỗ, từ cảnh chồng làm tài xế, vợ làm lơ xe và “hôm nào có khách đủ tiền dầu, mẹ mừng rơn”, ông bà Thành Bưởi phấn đấu không ngừng nghỉ để có một hãng xe nổi tiếng Việt Nam, với hơn 300 xe và 1.300 nhân viên, lập nên một hệ sinh thái với hàng ngàn tuyến xe cả nước, “lấn sân” cả lĩnh vực du lịch, chuyển tiền…
Tất cả bắt đầu từ những giọt mồ hồi nhễ nhại, chịu thương chịu khó từng ngày từng giờ, từ khi với chiếc xe tải, rồi sang xe khách: “Chạy xe khách lại, với cách mới của bố, xe chở gió một thời gian rồi mình mới có khách, đêm khuya bố vẫn đi chất hàng xe tải”.
Thành công đó, không phải từ “núp bóng” hay “làm sân sau, bãi đáp cho quan tham”, mà nhờ sự ham học hỏi của một người trình độ chỉ lớp 7, sự nhẫn nại, sự đúc rút từ thực tế cuộc đời: “40 năm làm con của bố, con chưa một lần nào thấy bố buồn bã, chưa một lần nào nghe bố than vãn khó khăn, mệt nhọc, đau ốm. Bố bảo, việc dễ thì làm nhanh, việc khó thì làm lâu, phải nhẫn nại, việc gì cũng dễ thì người ta làm hết rồi”.
Khởi nghiệp, kinh doanh, qua con mắt người con gái, ở người cha còn là sự tìm tòi không ngừng nghỉ để tạo sự khác biệt: “Bố mẹ sẽ chạy lại xe khách, sẽ tiên phong làm thử ở niền Nam cho xe chạy suốt, chạy đúng giờ, không đón khách dọc đường, không nhồi nhét khách”.
Sự khác biệt làm nên thương hiệu Thành Bưởi, cho đến khi ông Thành mất, khi hãng xe còn chưa kịp hồi sinh sau tai họa, vẫn còn đọng lại trong nhiều người. Chủ một doanh nghiệp từng là khách đi xe từ những ngày bước chân lên Sài Gòn khởi nghiệp đã thốt lên: “Dù đúng hay sai thì Thành Bưởi luôn gắn liền với bước chân của nhiều thế hệ trẻ ở những miền quê đến Sài Gòn đi tìm hoài bão, tìm ước mơ, để bước ra khỏi sự nghèo khó. Ai đã từng trải qua thời gian phải đi ‘xe dù’ nhồi nhét 32 khách trên xe 16 chỗ, chuyển xe tận 4 lần cho một đoạn đường chỉ hơn 300 km, lạng lách đánh võng đón khách thì mới thấm. Khi Thành Bưởi ra đời cùng thương hiệu xe chất lượng cao, đường đi tìm con chữ, rồi những chuyến về nhà sau những cuộc mưu sinh trở nên nhẹ nhàng hơn”.
Và qua lời tiễn biệt cha của người con gái, sự thành công của Thành Bưởi còn bởi niềm đam mê, cháy hết mình với từng công việc nhỏ, coi trọng khách hàng như chính người thân của mình. “Thời xa xưa ấy, bạn hàng nào cũng thích đi xe có bố chạy, được bố đón, được bố chất hàng. Hàng của khách là hàng của bố, bố chở khách như chở người thân”.
“Khi con còn trẻ, con cũng hờn dỗi vì mỗi bữa cơm bố đều nói về xe, về khách, về hàng hóa. Nhiều lần con nói bố ơi, bố bỏ số điện thoại của bố ra khỏi đường dây nóng đi, để việc đó cho tổng đài nghe. Bố nói không được, bố phải nghe khách phản ánh cái gì để mà sửa sai, chỉ mỗi nhân viên nghe thì mình xa rời công việc, không còn biết chuyện gì sai đang diễn ra. Khi con có tuổi rồi thì con hiểu, con là con của bố, nhưng khách hàng, hàng hóa, xe là sự sống của bố, thiếu một trong các thứ ấy bố sẽ chết”.
Thành công của hãng xe Thành Bưởi, cũng còn bởi sự gần gũi, chăm lo nhân viên như chính người thân mình của người làm sếp: “Bố quan tâm nhân viên, bố bao dung rộng lượng, nhiều người quen nói bị bệnh thì dù bận thế nào bố vẫn dừng việc lại, nhiều lần đến tận nhà những người ấy để cho cây, cho lá. Ai ở xa đến gặp bố, nhờ bố cho lá, cho cây để chữa bệnh, bố tạo điều kiện để họ ở lại nhà của bố để tiện giúp đỡ”.
Không chỉ tôi, rất nhiều người bạn, thậm chí cả những doanh nhân lão làng đã phải khâm phục ông Thành. Một CEO thốt lên: “Biết bao công sức để hình thành một thương hiệu doanh nghiệp, để nuôi sống tổng cộng 1.300 lao động và gia đình họ, để chuyên chở hàng chục triệu lượt hành khách trong bấy nhiêu năm. Bây giờ thì chuyện khởi nghiệp đã phổ biến hơn, chứ thế hệ ông Thành, người có tinh thần kinh doanh như ông là rất quý hiếm. Ngay thế hệ tôi, có lẽ trạc tuổi con gái ông, khi vào đời đa số chọn làm công ăn lương. Những người chọn con đường kinh doanh chỉ là thiểu số, đứng ra khởi sự làm chủ một hãng sản xuất mặt hàng nào đó (dù nhỏ thôi) lại càng ít”.
Dạy con từ nấu ăn tới ủi quần áo
Người con gái ông Thành nghẹn lại trong từng câu rằng, người cha thành đạt, giàu có rồi, nhưng cũng không siêu xe, gậy golf, đồng hồ Patek Philippe trị giá hàng trăm ngàn USD, hay những bữa tiệc sang trọng.
“Niềm vui của bố không phải tới chốn xa hoa, những đám tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, không phải những nơi hào nhoáng, mà là nơi trồng cây. Bố trồng trọt vì mê cây, thích trái, mà con đã nghĩ bố giống nông dân hơn là làm vận tải. Con chưa bao giờ khen dứa của bố ngon vì con sợ bố lại trồng thêm, con sợ bố phải làm nhiều, đi xa rồi mệt, nhưng bố ơi, giây phút này, ở đây con muốn nói rằng dứa của bố trồng rất ngon”.
Nhiều quan chức, doanh nhân, tôi biết không ít người chỉ muốn buông xuôi, bởi họ quần quật làm, dồn hết trí lực, hy sinh mọi thứ để mang về tiền bạc, danh vọng, nhưng con cái hư hỏng. Còn với con cái, ông Thành không chỉ đắm mình với công việc, mà lại là người cha yêu thương dạy dỗ tới tỉ mỉ đứa con mình. “Không chỉ dạy chị em con lễ nghi, phép tắc, mà bố còn chỉ con cách nấu canh, kho đậu hũ, ủi áo quần. Khi con hỏi bố cho con đi lấy chồng, bố bảo, không gọi là lấy chồng, mà lập gia đình, như lập nghiệp, học mẹ ấy”.
Với người vợ, người mà ông ghép tên mình để thành thương hiệu giản dị, mộc mạc, nhưng gửi gắm sự bền vững bên nhau, ông Thành luôn ở nhà trong những bữa cơm gia đình đầm ấm. “Con thích cách bố chờ mẹ để ăn cơm cùng. Có chuyện gì mẹ cũng gọi điện kể cho bố nghe rồi hỏi bố ăn cơm chưa, bố ăn với gì. Bếp nhà lúc nào cũng có lửa hồng vì ngày nào bố cũng ăn cơm nhà nấu”.
Chỉ là ông chủ của một hãng xe khách qua đời, nhưng đã gây thương tiếc cho hàng ngàn người vì sự ra đi đột ngột.
Một hãng xe đang bị “tai tiếng”, song vẫn nhận được hàng ngàn comment mong muốn sớm hoạt động trở lại. Thậm chí, cựu Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, bà Vũ Kim Hạnh (hiện là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao) còn viết trên Facebook cá nhân: “Từ khi Thành Bưởi gặp sự cố, tôi thường mong, sau khi xử lý thì họ sẽ sớm được hoạt động lại. Tôi nghĩ, nhiều gia đình nghèo cũng sẽ muốn du lịch kiểu bình dân như nhà tôi, họ vẫn cần Thành Bưởi”.
Một tâm thư mà hàng trăm người đủ mọi giai tầng, xúc động, chia sẻ, thậm chí một cựu nhà báo phải viết trên facebook: “Với tôi, làm cha thế nào mà khi nằm xuống được con mình tiễn biệt bằng những lời yêu thương như con gái đầu của chủ nhà xe Thành Bưởi dành cho ông mới là thứ đáng quý nhất”.
Tất cả những câu chuyện đó đã giúp tôi tách bạch cảm xúc, rạch ròi trên ngòi bút. Việc doanh nghiệp Thành Bưởi gây tai nạn, bị xử lý, thậm chí bị tước giấy phép… là chuyện khác. Doanh nghiệp mà sai thì phải lãnh hậu quả là đương nhiên. Kinh doanh có những quy luật khắc nghiệt “thương trường như chiến trường”, dám làm dám chịu. Nhưng tinh thần khởi nghiệp của con người như ông Thành Bưởi thật đáng nể trọng.
Và tôi, cũng như bao người mong muốn, những người còn lại tiếp tục tinh thần của người cha, vực dậy doanh nghiệp, bước tiếp trên con đường mà ông Thành đã chọn. Bên cạnh đó, cần kỹ càng, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật hơn, để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Tới tháng 11/2023, Công ty Thành Bưởi bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô 3 tháng, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không thời hạn.
Ông Lê Đức Thành lâm bạo bệnh rồi mất ngày 5/9/2024.
Nguồn: https://baodautu.vn/toi-da-phai-ne-trong-du-doanh-nghiep-tai-tieng-d225970.html