“Cuộc đua” phát triển trạm sạc xe điện
Vấn đề trạm sạc là bài toán lớn nhất mà các hãng sản xuất, phân phối xe điện phải tính đến đầu tiên khi bán xe điện tại Việt Nam. Rõ ràng, muốn thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng hướng tới Net Zero là định hướng của Chính phủ nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không có trạm sạc thì các hãng chắc chắn sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe. Tuy nhiên, ở chiều người lại nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một khoản đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp.
Việc tập trung vào hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, xây dựng trạm sạc sẽ là mấu chốt đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện. Ảnh: Vinfast |
Hiện nay tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như Vinfast với xe điện chạy pin (BEV), Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV), Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV), TMT với xe điện chạy pin cỡ nhỏ (mini-BEV).
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2023, tổng cộng 15.676 xe BEV và 5.220 xe HEV/PHEV được tiêu thụ tại việt Nam, bao gồm 15.486 xe BEV và 1.243 xe HEV/PHEV sản xuất, lắp ráp trong nước; 190 xe BEV và 3.977 xe HEV/PHEV nhập khẩu.
Đáng chú ý trong 6 tháng năm 2024, tổng cộng 17.536 xe BEV được tiêu thụ tại Việt Nam, bao gồm 17.482 xe sản xuất, lắp ráp trong nước và 54 xe nhập khẩu. Đồng thời, Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp 231 xe và nhập khẩu 2.190 xe HEV/PHEV.
Mặc dù số lượng trạm sạc điện đang gia tăng đáng kể theo từng năm, cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam.
Tại Việt Nam, VinFast là cái tên lớn nhất hiện sở hữu hệ thống trạm sạc trải khắp toàn quốc. VinFast hiện là đơn vị phát triển hệ thống lớn nhất với số lượng khoảng 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành phố. Nhà phát triển xe điện này cũng hợp tác với Petrolimex và PV Oil để lắp đặt trạm sạc tại các trạm xăng dầu dọc cao tốc, quốc lộ.
Ngoài VinFast, các công ty cung cấp trạm sạc xe điện tại Việt Nam đang chia thành một số nhóm phát triển trạm sạc. Đầu tiên là trạm sạc chính hãng. Nhóm này chủ yếu là trạm sạc tại đại lý và bán sạc tại nhà cho khách hàng sở hữu xe. Nhóm trạm sạc công cộng có thể kể đến EV One, EverCharge. Tiếp đến là nhóm cung cấp sạc tại nhà, công ty như EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel… Mặc dù số lượng trạm sạc điện đang gia tăng đáng kể theo từng năm, cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam.
Mới đây, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc, hướng tới việc trở thành đơn vị cung cấp trạm sạc xe điện uy tín trong cả nước. Trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên sẽ đặt tại phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng.
“PV Power đã xác định việc đầu tư vào hạ tầng trạm sạc xe điện là bước đi chiến lược, phù hợp với tầm nhìn phát triển dài hạn của công ty”, đơn vị này công bố. Bước đầu, PV Power sẽ xây dựng trạm sạc thí điểm, sau đó sẽ có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc.
Chính phủ quyết tâm, bộ, ngành vào cuộc
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.
Một trong những nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương là khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, bổ sung và có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc điện và nguồn cung cấp điện.
Liên quan đến nội dung này Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm. Tháng 4/2024 Bộ Khoa học và công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung ‘thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành quy định về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống trạm sạc xe điện, trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện.
Về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, về lĩnh vực năng lượng điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn. Theo Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, được sửa đổi, bổ sung, trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với trạm sạc cho xe điện nằm trong lĩnh vực năng lượng điện. Cụ thể như An toàn kỹ thuật công nghiệp (an toàn các thiết bị chịu áp lực, thiết bị nâng, an toàn đối với thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp); an toàn điện trong quản lý, vận hành trang thiết bị điện; khai thác mỏ và dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác dầu khí trên biển); an toàn trong sản xuất cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, hóa chất (bao gồm cả hóa dược); an toàn, vệ sinh lao động (trừ máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động).
Như vậy, đối với lĩnh vực năng lượng điện theo quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong lĩnh vực năng lượng điện nêu trên, trong đó không bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe điện, trạm sạc điện cho xe điện và hạ tầng cung cấp điện cho xe điện.
Đối với lĩnh vực hạ tầng cung cấp điện cho các trạm sạc, theo ông Bùi Quốc Hùng- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cần phải có quy hoạch cung cấp điện vì phụ tải dành cho hệ thống trạm sạc là tương đối lớn. Trong quy hoạch, cần phải tính toán về nhu cầu cung cấp điện, đồng thời, việc xây dựng các quy hoạch liên quan đến trạm sạc điện còn liên quan đến vấn đề sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
Còn ông Trần Việt Hoà- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, để xây dựng một hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trạm sạc xe điện cho khả thi, cần phải thống nhất rằng nên xây dựng quy chuẩn hay tiêu chuẩn. Bởi nếu xác định xây dựng quy chuẩn thì phải quản lý chặt chẽ việc thiết kế, lắp đặt, vận hành. “Liên quan đến trạm sạc điện, chúng ta nên đi theo hướng xây dựng tiêu chuẩn. Trên thực tế, tiêu chuẩn kỹ thuật là đưa ra các giải pháp, kiến thức và lựa chọn cho nhà sản xuất. Vì vậy, trong bối cảnh các công nghệ đang liên tục thay đổi rất nhanh thì xây dựng tiêu chuẩn sẽ phù hợp hơn. Khi đã xây dựng được quy chuẩn và tiêu chuẩn, cần sự đồng bộ để dễ dàng áp dụng cho nhiều loại xe điện khác nhau”- ông Trần Việt Hoà nói.
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện, mới đây Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn trạm sạc xe điện. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương sẽ khẩn trương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để bổ sung nguồn điện phục vụ cho việc lắp đặt hệ thống các trạm sạc; nghiên cứu và xây dựng phương án cấp điện cho các trạm sạc điện. Hiện nay, nếu xu hướng sử dụng xe điện tăng cao thì lượng tiêu thụ điện sẽ rất lớn. Trong khi đó, quy hoạch mới chỉ tính về lượng tiêu thụ điện cho sản xuất, tiêu dùng nhưng mảng sử dụng xe điện chưa được đề cập tới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hệ thống điện và phương án cung cấp điện cho trạm sạc trong thời gian sớm nhất. Việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc điện để các hãng xe trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam. Đồng thời, việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, các Bộ có liên quan sẽ phối hợp.
Nguồn: https://congthuong.vn/cuoc-dua-phat-trien-tram-sac-xe-dien-can-day-nhanh-viec-hoan-thien-he-thong-tieu-chuan-quy-chuan-349573.html