Theo khoản 1 Điều 18 Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 có quy định, dừng xe được định nghĩa là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện trong khoảng thời gian cần thiết để cho người lên, xuống xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật hoặc thực hiện các hoạt động khác.
Khác với quy định trước đây, từ năm 2025 tài xế được phép rời khỏi vị trí lái để đóng, mở cửa xe hoặc kiểm tra kỹ thuật, với điều kiện phải đảm bảo an toàn bằng cách sử dụng phanh đỗ xe hoặc các biện pháp bảo vệ khác.
Cũng tại Điều 18 Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:
Bên trái đường một chiều: Dừng, đỗ xe ở bên trái đường một chiều có thể gây cản trở cho dòng xe di chuyển, tăng nguy cơ tai nạn.
Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc có tầm nhìn bị che khuất: Những đoạn đường này hạn chế tầm nhìn của tài xế, dễ gây ra các vụ va chạm nếu có xe đỗ.
Trên cầu, trừ những nơi tổ chức giao thông cho phép: Cầu là nơi có lưu lượng giao thông lớn, việc dừng xe trên cầu gây nguy hiểm cho cả người điều khiển xe và các phương tiện khác.
Dưới gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép: Dừng xe dưới gầm cầu vượt có thể ảnh hưởng đến lưu thông và an toàn kết cấu cầu.
Song song với một xe khác đang dừng, đỗ: Điều này dễ dẫn đến tắc nghẽn giao thông và gây khó khăn cho các xe khác khi di chuyển.
Cách xe đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp hoặc dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới: Đỗ xe quá gần xe ngược chiều gây cản trở và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường: Việc đỗ xe trên phần đường này không chỉ vi phạm quy định mà còn gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét từ mép đường giao nhau: Đây là khu vực nguy hiểm khi xe dừng, đỗ vì dễ gây va chạm.
Điểm đón, trả khách: Dừng xe tại các điểm này làm cản trở quá trình lên xuống của các phương tiện khác.
Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức: Gây cản trở cho các phương tiện ra vào cơ quan, tổ chức.
Nơi phần đường chỉ đủ cho một làn xe cơ giới: Việc đỗ xe ở đây gây tắc nghẽn và cản trở giao thông.
Trong phạm vi an toàn của đường sắt: Dừng, đỗ xe gần đường sắt gây nguy hiểm cao do nguy cơ va chạm với tàu.
Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông: Việc đỗ xe che khuất biển báo hoặc đèn tín hiệu có thể khiến các tài xế khác không nhận biết được và gây ra tai nạn.
Trên đường dành riêng cho xe buýt, miệng cống thoát nước, miệng hầm điện, khu vực chữa cháy: Những khu vực này cần được thông thoáng để đảm bảo an toàn và hoạt động của các phương tiện, dịch vụ công cộng.
Ngoài ra, luật mới cũng quy định rõ ràng rằng khi dừng, đỗ xe trên đường, người điều khiển phương tiện phải sử dụng tín hiệu báo cho các phương tiện khác biết. Tại những khu vực không có lề đường hoặc lề đường hẹp, tài xế cần đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
Trong trường hợp xe gặp sự cố kỹ thuật hoặc tình huống bất khả kháng khiến xe phải đỗ tại nơi không được phép, tài xế phải bật đèn cảnh báo khẩn cấp hoặc đặt biển báo phía sau xe để cảnh báo cho các phương tiện khác.
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-vi-tri-o-to-khong-duoc-dung-do-du-khong-co-bien-cam-lai-xe-nen-biet-post314703.html