Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ tư vấn du học.
Trong những năm gần đây, nhu cầu du học của học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng gia tăng, thể hiện qua số lượng đáng kể bạn trẻ học tại các nền giáo dục tiên tiến. Điều này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu mà còn đóng góp tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Đại biểu dự hội thảo
Cùng với sự gia tăng của nhu cầu du học, dịch vụ tư vấn du học ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò thiết yếu việc kết nối giữa các trường học, chương trình đào tạo quốc tế với học sinh, sinh viên. Do đó, việc định hướng đúng đắn cho học sinh, sinh viên trong việc lựa chọn các chương trình du học chất lượng là vô cùng quan trọng. Các dịch vụ tư vấn du học không chỉ cung cấp thông tin ngành học mà còn hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình chuẩn bị học tập ở nước ngoài, từ việc lựa chọn trường học, xin visa đến thích nghi với môi trường học tập quốc tế.
Báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT tại hội thảo cho thấy, năm 2024, số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là 3.423 tổ chức, với 2.860 tổ chức đang hoạt động. Một số tổ chức không hoạt động trở lại hậu Covid-19 hoặc ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả. Tính đến 15/9/2024, 203 tổ chức mới đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số lượng tổ chức tư vấn du học lớn nhất, với 1.304 tổ chức tại Hà Nội và 513 tổ chức tại TPHCM. Bên cạnh đó, các địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Tĩnh cũng là những nơi có hoạt động tư vấn du học sôi động.
Theo Cục Hợp tác quốc tế, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tư vấn du học đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là trong việc hỗ trợ hồ sơ, xin visa, và tư vấn chương trình học bổng cho học sinh. Sự minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh đã được cải thiện, góp phần dần tạo nên một môi trường tư vấn lành mạnh.
Tọa đàm “Đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người học” trong khuôn khổ hội thảo
Các công ty trong lĩnh vực này đã tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, đặc biệt trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn du học cho học sinh và phụ huynh; các yêu cầu công khai của quy định; xây dựng mối quan hệ hợp tác uy tín với các trường quốc tế, giúp học sinh tiếp cận được những cơ hội giáo dục tốt nhất ở nước ngoài;…
Tuy nhiên, thị trường tư vấn du học hiện vẫn còn một số tồn tại như: tổ chức hoạt động không có giấy phép; tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; vi phạm về thu phí không đúng quy định; du học trá hình…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, thời gian qua, Bộ GDĐT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học.
Về hệ thống pháp lý, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về điều kiện thành lập, hoạt động và trách nhiệm của các trung tâm tư vấn du học, tạo khung pháp lý rõ ràng minh bạch, giúp các trung tâm tư vấn du học hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ đúng quy định và bảo vệ quyền lợi người học.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo
Công tác kiểm tra giám sát cũng được ngành giáo dục các địa phương tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, thiếu minh bạch trong quá trình tư vấn. Bộ GDĐT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức một số hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, người học.
“Chúng tôi mong muốn các công ty tư vấn nâng cao trách nhiệm của mình, tuân thủ pháp luật, chuyên nghiệp và trung thực, khách quan trong việc tư vấn. Không vì chạy theo doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp mình mà tư vấn không chính xác, sai lệch dẫn đến các em học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn trường, ngành, quốc gia không phù hợp, ảnh hưởng việc học của các em. Ngoài mục tiêu kinh doanh, dịch vụ tư vấn du học phải thể hiện trách nhiệm xã hội, bởi giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, liên quan tới tương lai con người”, Thứ trưởng nói.
Tại hội thảo, đại diện một số đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn du học đã trao đổi về những thuận lợi, thách thức trong việc quản lý người học sau khi rời Việt Nam; thuận lợi và khó khăn nhìn từ góc độ doanh nghiệp tại các thị trường du học; một số mô hình hay trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về kinh doanh tư vấn du học… Hội thảo cũng trao đổi về chủ đề “Đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người học”.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9863