Một con muỗi Aedes aegypti quan sát dưới kính lúp tại CNEA ngày 12/4. Ảnh: Reuters/Agustin Marcarian
Argentina đang phải đối phó với một trong những đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong những năm gần đây, Reuters hôm 17/4 đưa tin. Năm nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 41.000 ca mắc bệnh lây truyền từ muỗi, cao hơn nhiều so với các đợt bùng phát lớn trước đó vào năm 2020 và 2016, theo dữ liệu của chính phủ.
“Do nhiệt độ ở Argentina và thế giới tăng lên, loại muỗi này có khả năng lan rộng hơn. Quần thể của chúng tiếp tục di chuyển xa hơn về phía nam”, nhà sinh vật học Marianela Garcia Alba tại CNEA cho biết.
Để ứng phó, các nhà sinh học tại CNEA đã thử nghiệm triệt sản nguyên tử từ năm 2016. Họ đang triệt sản 10.000 muỗi đực mỗi tuần và đặt mục tiêu tăng lên 500.000 con. Các nhà khoa học dự kiến thả lứa muỗi đực triệt sản đầu tiên ra ngoài vào tháng 11.
“Chúng được triệt sản thông qua năng lượng ion hóa và những con đực vô sinh này sẽ được thả ra đồng ruộng. Khi chúng gặp gỡ muỗi cái hoang dã, con của chúng sẽ không thể sống sót. Vì thế, bằng cách liên tục thả những con đực như vậy, chúng tôi có thể giảm số lượng muỗi truyền bệnh”, Garcia Alba cho biết.
Sốt xuất huyết lây truyền qua vết cắn của muỗi vằn Aedes aegypti. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau mắt, đầu, cơ, khớp, buồn nôn, nôn và mệt mỏi. Những kỹ thuật tương tự để triệt sản động vật gây hại bằng bức xạ đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ, thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát những bệnh như Chikungunya, sốt xuất huyết và Zika.
Nguồn VNE