Cuốn sách Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của tác giả Đào Thị Diến cho người đọc hình dung rõ hơn về một số lát cắt của lịch sử Hà Nội thời Pháp thuộc.
Đây là cuốn sách tác giả gửi gắm “tình yêu sâu đậm với Hà Nội” của mình tới những độc giả có cùng tình yêu Hà Nội như bà. Tác giả vừa có buổi ra mắt sách tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô.
Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tác giả Đào Thị Diến có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt lẫn tiếng Pháp.
Nhờ đó cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) cũng như các cuốn sách khác của tác giả khá độc đáo, riêng biệt: lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ – những tài liệu gốc.
Sách tập hợp 40 bài viết về Hà Nội của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí và trên trang web của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) cho thấy những lát cắt về sự đổi thay của Hà Nội trong giai đoạn bắt đầu từ hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp các năm 1873, 1882 và kết thúc là sự kiện xây dựng công trình khu học xá Đông Dương ở Hà Nội năm 1945 của chính quyền thực dân Pháp.
Sách chia hai phần, phần I gồm năm bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy.
Phần II gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa thành một “thành phố Pháp”, một “Paris thu nhỏ” của chính quyền thực dân.
Đặc biệt, trong phần II, bạn đọc có thể tìm thấy những thông tin thú vị như: Ai mới là tác giả thực sự của cầu Long Biên; tàu điện, xe kéo tay ở Hà Nội thời Pháp thuộc; có bao nhiêu con phố ở Hà Nội từng mang tên đại thi hào Nguyễn Du.
Hay thông tin từng có một con phố mang tên Victor Hugo ở Hà Nội; hành trình xây dựng tấm bia tưởng niệm cha Alexandre De Rohdes ở Hà Nội;
Câu chuyện Trường Viễn Đông Bác Cổ với việc bảo vệ các di tích lịch sử ở Hà Nội; những điều ít biết về Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội như nơi đây từng được sử dụng làm nơi cách ly người bị dịch hạch; thực hư về quyết định lấp hồ Gươm năm 1925…
Tất nhiên đây không phải là những thông tin hoàn toàn mới và “độc quyền” ở Hà Nội thời cận đại – từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) mà bạn đọc có thể tìm thấy rải rác trước đây ở các nguồn khác nhau.
Ngoài ra cuối sách còn có thêm phần phụ lục Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954 và Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954.
Hai phụ lục rất hữu ích cho tra cứu lẫn những ai muốn tìm hiểu về sự đổi thay khá thú vị về tên đường phố Hà Nội theo những diễn tiến của lịch sử.
Theo GS.NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả Đào Thị Diến từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiêm cẩn nên các công trình khảo luận, các bài viết của tác giả về Hà Nội có độ tin cậy cao.
Tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/hieu-hon-ve-ha-noi-thoi-phap-thuoc-2024100109172747.htm