Vừa coi thương lái cân lúa, ông Thạch Thảo Tùng (phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết nhà ông có bốn đời làm nông nhưng chưa bao giờ giá lúa hè thu lại “tốt” như năm nay. Sau trên ba tháng chăm sóc 3ha lúa OM5451, ông Tùng thu hoạch và được thương lái mua tại chân ruộng với giá 7.500 đồng/kg, bằng với vụ đông xuân.
“Do thời tiết, giá lúa hè thu thường thấp hơn vụ đông xuân. Nhưng năm nay lại khác. Nhiều bà con thu hoạch không trúng mưa, lúa không bị đổ ngã, giá bán còn cao hơn, khoảng 8.200 đồng/kg. Dù vậy, sau khi trừ chi phí, tôi vẫn còn lời khoảng 70 triệu đồng. Đây là mức lời ngon trong vụ hè thu”, ông Tùng khoe.
Nhiều nông dân trồng lúa thơm ST25 thắng đậm trong vụ hè thu này. Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cũng cho biết chưa bao giờ bán được giá cao như vụ hè thu năm nay.
Lúa trên đồng mới ngậm sữa, thương lái đã đến “nghía” và xin đặt cọc nhưng ông không nhận. Hai ngày trước khi ông Bé thu hoạch, thương lái chốt giá mua tại ruộng 11.200 đồng/kg.
“Tui bón phân vừa phải, sạ thưa và canh rút nước hợp lý nên dù có mưa gió, lúa cũng không bị ngã. Năng suất vụ này khoảng 800kg/công, sau khi trừ chi phí, 10 công ruộng tui lời khoảng 50 triệu đồng. Làm ruộng 30 năm mới được một vụ lời nhiều đến như vậy. Vụ đông xuân tới, tôi sẽ tiếp tục làm giống lúa thơm ST25”, ông Bé cho biết.
Ông Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống lúa thơm ST25, khẳng định bình quân mỗi năm doanh nghiệp của ông triển khai hợp tác, đầu tư và tiêu thụ khoảng 3.000ha, tập trung các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau. Do nhu cầu cao nên giá lúa ST25 vụ hè thu tăng mạnh.
“Chưa bao giờ giá lúa ST25 vụ hè thu lại tăng kinh khủng như vậy. Đây là tín hiệu tốt khi gạo ST25 được thị trường ngày càng tín nhiệm hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lai tạo để giữ phẩm chất hạt gạo được ổn định, đáp ứng ngày càng cao thị hiếu người tiêu dùng”, ông Cua khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Minh Tâm, giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết giá lúa ST tăng mạnh do khan hiếm, chỉ có những người giàu trong nước và các nước ngoài tiêu thụ nên tăng 5.000 – 6.000 đồng/kg là chuyện bình thường.
“Việt Nam có 100 triệu dân nhưng chỉ có 10% dân số sử dụng gạo ST thôi. Do đó, việc tăng giá gạo ST cũng không đáng kể”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, gạo ST có tăng nhiều hơn 50% so với trước đây nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá được.
Ở phân khúc cao cấp, gạo ST được Việt Nam đang xuất khẩu rất tốt vào thị trường Trung Quốc, Trung Đông và EU. Vì hợp đồng doanh nghiệp đã ký trước với khách hàng nước ngoài dài hạn nên giá gạo ST xuất khẩu không thể tăng được.
“Giá lúa ST tăng mạnh cũng không ảnh hưởng gì đến thị trường chung, vì đây là lúa dành cho người giàu. Lúa này chỉ sản xuất ở vụ đông xuân chứ mùa này không ai dám trồng lúa này, do thời tiết bất lợi. Nguồn cung ít dẫn đến tăng giá mạnh. Tôi khẳng định lúa gạo Việt Nam có nhiều, đủ loại nên không thể nào có chuyện thiếu gạo mà phải nhập khẩu”, ông Tâm khẳng định.
Ông Trần Thanh Hiệp, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết An Giang mới thu hoạch lúa thu đông gần 6.000ha, chiếm hơn 4% tổng diện tích lúa đã xuống giống là 149.000ha lúa. Ước tổng sản lượng lúa thu hoạch khoảng 100.000 tấn lúa sắp tới.
Giá lúa tươi IR50404 được thu mua với giá dao động 7.300 – 7.800 đồng/kg; lúa OM5451 có giá 7.600 – 7.900 đồng/kg; OM18 là 7.800 đồng/kg; Đài Thơm 8 có giá 8.000 – 8.200 đồng/kg và OM380 có giá 7.600 – 7.800 đồng/kg… “Giá lúa đang tăng từ 100 – 200 đồng/kg so với tuần trước nên nông dân phấn khởi lắm”, ông Hiệp nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-gao-st-tang-khung-gan-50-cha-de-ho-quang-cua-noi-tin-hieu-tot-20240930221018736.htm