ANTD.VN – Chú trọng lĩnh vực văn hóa, lấy đây làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế, huyện Đông Anh đã thu được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây sẽ là cách làm xuyên suốt của huyện trong thời gian tới.
Đến Cổ Loa hôm nay, dù đã đạt đủ các tiêu chí xã lên phường, song Cổ Loa vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của miền quê lịch sử. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Lương chia sẻ, quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Cổ Loa xác định tiêu chí văn hóa, giáo dục là trọng tâm để tập trung nguồn lực đầu tư.
“Hệ thống đường làng, ngõ xóm được chỉnh trang trên cơ sở bảo tồn, “nâng đỡ” cho Khu di tích Cổ Loa. Do đó, nhiều tuyến đường được xây dựng theo hướng cổ xưa. Bên cạnh đó, Cổ Loa đã cải tạo, gìn giữ, kè cứng hơn 200 ao hồ, trồng cây xanh để tạo không gian văn hóa, lịch sử riêng của vùng đất này”, bà Nguyễn Thị Lương thông tin.
Cũng như Cổ Loa, xã Liên Hà đã hoàn thành các tiêu chí lên quận, nhưng văn hóa, y tế là tiêu chí xã lựa chọn khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Tài, Liên Hà là xã đầu tiên của huyện Đông Anh đạt đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2022. Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã chú trọng thực hiện trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa và giáo dục – đào tạo.
“Đối với lĩnh vực văn hóa, xã Liên Hà đã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao đạt chuẩn, với diện tích 15.000m2. Xã Liên Hà có 8/8 thôn có nhà văn hóa và được lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, giúp người dân luyện tập hằng ngày. Các lễ hội truyền thống, khu di tích được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống mới”, ông Nguyễn Đức Tài cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng, Đông Anh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, mang nét đặc trưng của nền văn hóa sông Hồng, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, hội tụ cả du lịch tâm linh, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái cộng đồng, với 124 di tích quốc gia và nhiều khu du lịch nổi tiếng có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Nổi bật phải kể đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, đền Sái, địa đạo Nam Hồng, múa rối nước Đào Thục… Vì vậy, văn hóa được coi là nhóm tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.
Đến nay, huyện có 20/23 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 5/23 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với tiêu chí y tế, văn hóa, giáo dục, huyện đã đạt trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Hiện tại, huyện có 128 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của thành phố, 15 nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghệ thuật tuồng, ca trù, rối nước, tín ngưỡng thờ Mẫu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ nét. Toàn huyện đã thành lập được 1.172 câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao; 249 điểm sinh hoạt cộng đồng, 75 công viên mini…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song Đông Anh xác định quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là quá trình không gián đoạn, có tính kế thừa và liên tục phát triển. Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo hướng phát triển đô thị, với quan điểm, mục tiêu tổng quát, là: Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, nông thôn mới văn minh và hiện đại, tiến tới đô thị văn minh, thông minh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị…
“Đông Anh phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hơn 50% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết.
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 4228/QĐ-UBND phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm Mạnh Tân, huyện Đông Anh. Đây là dự án nhóm B do UBND huyện Đông Anh làm chủ đầu tư với quy mô phục vụ tiêu nước cho 1.920ha sản xuất nông nghiệp và dân sinh của huyện Đông Anh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát và đánh giá đầu tư bảo đảm thực hiện dự án đúng quy định. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý đầu tư, sử dụng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và thành phố.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/suc-bat-trong-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-o-dong-anh-post586987.antd