Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng co bóp khiến máu không thể lưu thông đến các bộ phận khác trong cơ thể, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng hoặc để lại những di chứng nghiêm trọng nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Nhằm cập nhật hướng tiếp cận chẩn đoán và xử trí tình trạng nguy hiểm này, chương trình sinh hoạt chuyên môn Hệ thống Y tế tuần 39 được tổ chức vừa qua với những ý kiến và thông tin giá trị được đội ngũ chuyên gia cập nhật.
Cấp cứu thành công ca ngừng tuần hoàn hô hấp
Mở đầu chương trình sinh hoạt chuyên môn, ThS.BS Phạm Duy Hưng – Phó Khoa Nội, Chuyên khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trình bày ca bệnh trong lâm sàng với những thông tin thực tế được cập nhật vô cùng giá trị.
ThS.BS Phạm Duy Hưng trình bày ca bệnh thực tế cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công tại MEDLATEC
Nam bệnh nhân N.P.L (60 tuổi, Hà Nội) được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trong tình trạng đột ngột xuất hiện biểu hiện đau ngực trái dữ dội, cảm giác bóp nghẹt, đè nặng sau xương ức sau khi bê vác đồ nặng.
Đánh giá tình trạng nghiêm trọng, ekip bác sĩ liên chuyên khoa tập trung hội chẩn khẩn cấp. Bệnh nhân được thực hiện đo điện tim, siêu âm, xét nghiệm ngay tại giường cấp cứu. Kết quả kết luận ông L. mắc nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 2.
Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau vào viện, bệnh nhân đột ngột mất ý thức, thở ngáp, mất mạch cảnh bẹn. Nhận thấy dấu hiệu ngừng tuần hoàn với dạng điện tim rung thất và xoắn đỉnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cận kề, ekip bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân theo phác đồ C-A-B, sốc điện không đồng bộ ba lần, dùng các thuốc trợ tim, đặt ống nội khí quản thở máy để tái lập lại tuần hoàn.
Ekip cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khẩn trương cấp cứu cho bệnh nhân
Dựa trên cơ sở ca bệnh thực tế được trình bày, bác sĩ Hưng nhấn mạnh thời điểm vàng để thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim. Do đó, bệnh nhân cần được đưa tới cơ sở y tế sớm nhất, nếu bỏ qua giờ vàng khiến quá trình điều trị khó khăn, nguy cơ gây biến chứng và tử vong rất cao.
Cập nhật phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn: chẩn đoán nhanh – xử trí đúng
Trong khuôn khổ chương trình sinh hoạt chuyên môn có sự hiện diện của BSCKII. Phạm Thị Trà Giang – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn, mang đến bài báo cáo với chủ đề “Cấp cứu ngừng tuần hoàn ở người lớn”.
Mở đầu bài báo cáo, bác sĩ Giang cho biết: “Chưa đầy 40% người lớn được thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn bởi người không chuyên và chưa đầy 12% người lớn được dùng máy khử rung tim bên ngoài tự động trước khi dịch vụ y tế khẩn cấp đến”.
BSCKII. Phạm Thị Trà Giang trình bày chi tiết những vấn đề đại cương giá trị về hướng xử trí bệnh nhân ngừng tuần hoàn
Trước thực tế đó, việc cập nhật phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn một cách sâu rộng là vấn đề cấp thiết được đặt ra.
Theo chuyên gia, phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn được chia ra phần cơ bản và nâng cao. Trong đó, phác đồ cơ bản dành cho mọi người dân có thể thực hiện ngay lập tức tại địa điểm gặp bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Phác đồ cấp cứu nâng cao cần sự can thiệp của máy móc và đội ngũ nhân viên y tế. Chi tiết như sau:
1/ Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản
- Bước 1: Xem xét hiện trường để đảm bảo không còn yếu tố nguy hiểm (khí độc, cháy nổ, chạm điện…);
- Bước 2: Để người nạn nhân trên bề mặt phẳng, rắn chắc;
- Bước 3: Kiểm tra nhận thức của người bị nạn bằng cách gọi, lay vai (nhìn ngực xem còn cử động thở không, kiểm tra động mạch cảnh trong 5 – 10 giây);
- Bước 4: Nếu người bị nạn không phản ứng, gọi cấp cứu và kêu gọi mọi người xung quanh đến hỗ trợ;
- Bước 5: Nếu người bị nạn ngừng thở, thực hiện ngay ép tim thổi ngạt (cứ 30 lần ép tim, thực hiện 2 lần thổi ngạt).
2/ Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao
- Bước 1: Đảm bảo đường thở của bệnh nhân được thông suốt (có thể cần tiến hành hút sạch dịch giúp việc thông khí hiệu quả hơn);
- Bước 2: Thông khí bằng cách sử dụng bóng qua mask, hoặc đặt ống nội khí quản để cung cấp oxy cho bệnh nhân;
- Bước 3: Đánh giá điện tâm đồ thông qua monitor là bước quan trọng tiếp theo để quyết định xem có cần thực hiện sốc điện hay không. Nếu điện tâm đồ cho thấy rung thất, hoặc nhịp nhanh thất mất mạch, cần tiến hành sốc điện ngay lập tức;
- Bước 4: Đánh giá và sử dụng sớm các thuốc co mạch, hoặc thuốc chống loạn nhịp giúp cải thiện khả năng phục hồi của bệnh nhân.
Các bước xử trí đối với bệnh nhân ngừng tuần hoàn được chuyên gia hướng dẫn chi tiết và cụ thể
Phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng với kỹ năng chuyên môn cao để thực hiện hiệu quả, nhằm tối ưu hóa kết quả điều trị và tăng cường cơ hội sống sót cho bệnh nhân.
Ngừng tuần hoàn hô hấp là một tình trạng cấp cứu nghiêm trọng xảy ra khi hoạt động bơm máu của tim bị ngừng đột ngột, dẫn đến sự gián đoạn trong việc cung cấp máu đến các bộ phận khác của cơ thể. Tình trạng này không chỉ đe dọa tính mạng mà còn có thể gây ra các di chứng nặng nề, nếu không được cấp cứu kịp thời và hiệu quả. Mục đích cao nhất của việc cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là duy trì sự lưu thông máu và nhịp thở, từ đó giúp duy trì hoạt động của não, ngăn ngừa tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể.
Tại Hệ thống Y tế MEDLATEC và Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nói riêng, quy trình cấp cứu được thiết lập khoa học, hệ thống, đảm bảo tuân thủ các quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ liên tục được đào tạo, cập nhật chuyên môn, thường xuyên thực hành, đảm bảo ứng biến kịp thời, hiệu quả, xử trí thành công khi tiếp nhận ca bệnh cấp cứu.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tiếp nhận và xử trí cấp cứu 24/24h, kể cả Lễ/Tết. Người dân vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời nhất.
Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/chuyen-gia-cap-nhat-huong-tiep-can-chan-doan-va-xu-tri-cap-cuu-benh-nhan-ngung-tuan-hoan