Đầu năm học mới, hàng loạt vụ việc liên quan tới đạo đức nhà giáo đã xảy ra.
Tại Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM, một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 đã đề cập trực tiếp với phụ huynh việc ủng hộ tiền để cô mua máy tính cá nhân mới. Lý do là máy tính của cô vừa mất.
Sau khi phụ huynh quyên góp, thay vì chọn chiếc máy giá 5,5 triệu đồng như dự tính ban đầu, cô chọn mua chiếc máy giá 11 triệu đồng, đề xuất phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng, cô bù 5 triệu đồng.
27 phụ huynh đồng ý, 3 phụ huynh không đồng ý, 9 phụ huynh không ý kiến. Cô tuyên bố không nhận máy tính, đồng thời không soạn đề cương cho học sinh, yêu cầu phụ huynh tự ôn cho con.
Theo phản ánh của phụ huynh, kể từ sau vụ việc xin hỗ trợ mua máy tính không thành, học sinh kể lại với cha mẹ về thái độ giảng dạy của cô giáo trên lớp không tốt.
Khi sự việc được phản ánh lên nhà trường, ban giám hiệu xin phụ huynh cho cô cơ hội sửa sai. Phụ huynh không đồng ý. 25 phụ huynh ký đơn xin chuyển lớp cho con.
Tuy nhiên, mất thêm 3 ngày nữa, nhà trường mới có thể ra quyết định tạm ngưng việc giảng dạy của cô và bố trí giáo viên thỉnh giảng phụ trách lớp.
Điều đó đồng nghĩa với việc học sinh của lớp đã phải chịu đựng thái độ tiêu cực của cô trong gần 2 tuần học. Không có lời xin lỗi nào với học sinh được đưa ra từ giáo viên và nhà trường.
Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Ninh Bình, cũng một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 chửi tục, nhục mạ học sinh trong suốt hơn 4 phút.
Trong bản ghi âm dài hơn 4 phút này, giáo viên xưng “tao”, gọi học sinh là “chúng mày”, ví học sinh như “cái thằng tắc ngơ”, mắng học sinh bằng những câu từ xúc phạm nặng nề.
Giáo viên đã bị tạm dừng công tác và bước đầu đã thừa nhận chửi tục, nhục mạ học sinh như bản ghi âm mà phụ huynh cung cấp.
Hiệu trưởng nhà trường trả lời báo chí, nói giáo viên “dạy giỏi”, “có uy tín với phụ huynh” và “tâm lý học sinh hiện bình thường”.
Nhưng những đứa trẻ bị cô giáo dạy hàng ngày ở lớp chửi mắng bằng lời lẽ như vậy liệu có thực sự “bình thường”?
Mới đây nhất, chiều 27/8, tại 1 trường THCS ở Hưng Yên, thầy giáo tiếng Anh đã đá một học sinh lớp 7 ra khỏi lớp, sau đó túm cổ em tới mức bật máu, xước xát vùng cổ. Lý do thầy nổi giận là nghe được tiếng một học sinh gọi mình là “thằng”.
Thay vì tìm hiểu sự việc kỹ càng và có biện pháp giáo dục đúng đắn, giáo viên đã để cơn giận của mình đi quá giới hạn của một người thầy.
Đánh giá tổng thể, đây rõ ràng là những hạt sạn, không thể so sánh với những đóng góp, cống hiến, hy sinh đầy vinh quang của ngành giáo dục. Song những sự việc nhỏ lẻ “con sâu làm rầu nồi canh” về đạo đức nhà giáo, dưới tác động của mạng xã hội, đã trở thành một vấn đề lớn hơn.
Điều đó tác động đến cái nhìn của xã hội về nghề giáo, về trường học, về chuyện tiền bạc trong nhà trường, về quỹ phụ huynh, về dạy thêm học thêm… Những nghi ngờ, thiếu tin tưởng được nảy sinh hoặc được củng cố thêm. Khoảng cách giữa cha mẹ và thầy cô giáo, giữa gia đình và nhà trường, giữa ngành giáo dục và xã hội dường như được kéo giãn thêm ra.
Là vì, môi trường giáo dục, nơi giăng khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” như một lời răn với học trò ngay trước cổng trường, nơi con trẻ được chữ song song với dạy làm người, lại là nơi mà người dạy vi phạm nghiêm trọng về đạo đức.
Một giáo viên công khai vòi vĩnh tiền bạc phụ huynh và khi không “xin” được thì lấy sự học của con trẻ ra dọa nạt.
Một giáo viên nói tục, chửi bậy, nhục mạ học sinh ngay trước lớp, mà học sinh ấy chỉ mới 9-10 tuổi.
Cả hai giáo viên đều công tác nhiều năm, thậm chí được đánh giá là “giỏi” và “uy tín”.
Ban lãnh đạo trường học đã quản lý giáo viên của họ thế nào, đã đánh giá giáo viên của họ toàn diện, đầy đủ hay chưa và có thực sự quan tâm tới đời sống học đường của học sinh không? Nếu có thì tại sao phần lớn các sự việc nhà trường chỉ biết đến nhờ phụ huynh tung hê lên mạng?
Chiếc camera, thứ vốn dĩ được dùng để giám sát, bảo vệ tài sản, phòng chống, ngăn ngừa tội phạm, nay lại trở thành thứ được phụ huynh yêu cầu lắp đặt trong trường học. Nơi lẽ ra phải an toàn nhất với con trẻ trở thành nơi mà các bậc cha mẹ luôn rập rình nỗi bất an.
Dự thảo Luật Nhà giáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một trong những trách nhiệm của nhà giáo là “giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo”. Dự thảo Luật cũng nghiêm cấm nhà giáo có hành vi “xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học”.
Song, dự thảo không nêu rõ, những hành vi trên sẽ được xử lý ra sao, có được tính làm căn cứ thu hồi chứng chỉ hành nghề nhà giáo hay không.
Một giáo viên có hành vi vòi tiền phụ huynh, xúc phạm nhân phẩm danh dự, thân thể người học có được tính là “không hoàn thành nhiệm vụ” trong công tác giảng dạy hay không? Phụ huynh, học sinh có được giám sát kết quả đánh giá giáo viên hằng năm để đảm bảo rằng các đánh giá giáo viên từ nhà trường là khách quan?
Đó là những câu hỏi mà các nhà làm chính sách giáo dục không thể không lưu tâm đến. Dạy học là trồng người, không thể chỉ phó mặc cho sự vụng khéo của đôi bàn tay người trồng mà cần các giải pháp vừa tổng thể, vừa chi tiết, điều hướng, quản lý và giám sát họ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-co-giao-xin-tien-phu-huynh-den-co-giao-chui-tuc-nhuc-ma-hoc-sinh-20240928231349259.htm