UBND TP HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Văn học – Nghệ thuật (VHNT) thành phố lần thứ 3. Dự kiến chương trình sẽ diễn ra ngày 23-10, tại Nhà hát Thành phố (quận 1).
Cơ hội tiếp cận những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TP HCM, cho biết: “Đây là giải thưởng nằm trong Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Các tác giả đã sáng tác nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, vừa có tác dụng định hướng vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa – tinh thần ngày càng cao của người dân”.
Tác phẩm được xét trao Giải thưởng VHNT TP HCM là những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh lịch sử dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới hiện nay. Giải thưởng giúp kích thích sự sáng tạo không ngừng của các lĩnh vực: văn học, sân khấu, âm nhạc, múa, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật…, nhất là lĩnh vực lý luận, phê bình. “Không có lĩnh vực lý luận, phê bình sẽ khó tìm được giá trị chuẩn mực để định hướng sáng tác VHNT” – NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Theo các nhà chuyên môn, Giải thưởng VHNT TP HCM sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao. PGS-TS Trần Yến Chi, Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP HCM, nhìn nhận: “Giải thưởng VHNT TP HCM như là một sân chơi giúp nghệ sĩ trẻ có thêm năng lượng tích cực để sáng tác; qua đó, cung cấp cho thành phố và cả nước những tác phẩm hay, giá trị, như nhiều vở diễn sân khấu đã đi vào lòng công chúng thời gian qua: “Cách mạng”, “Đường bay”, “Chiến binh”, “Rồng phượng”, “Bí mật vườn Lệ Chi”, “Ngàn năm tình sử”, “Dạ cổ hoài lang”, “Thái hậu Dương Vân Nga”…”.
Chú trọng lĩnh vực lý luận, phê bình
TP HCM hiện có khoảng 97.000 người hoạt động trong lĩnh vực VHNT với khoảng 17.670 doanh nghiệp (chiếm 7,74% tổng số doanh nghiệp của thành phố). Doanh nghiệp văn hóa tăng trưởng bình quân khoảng 14%/ năm, đóng góp khoảng 5,7% GRDP hằng năm của thành phố.
Như vậy, văn hóa – nghệ thuật ở TP HCM không chỉ đóng góp vào đời sống tinh thần mà còn có ảnh hưởng đến nền kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, TP HCM đang nỗ lực xây dựng nền công nghiệp văn hóa. 2024 được xem là năm có tính chất bản lề để đến năm 2025, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật sẽ bùng nổ nhằm chào mừng nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, trong đó có kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Để có được những tác phẩm hay, đặc sắc, TP HCM đã xúc tiến và tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm VHNT, như: Bình chọn những tác phẩm tiêu biểu của VHNT TP HCM giai đoạn 1975 – 2023; Giải thưởng VHNT TP HCM lần 3 (2018 – 2022)… Nhiều cuộc vận động sáng tác tác phẩm VHNT theo chuyên đề cụ thể trong từng lĩnh vực cũng đã được tổ chức.
Theo đạo diễn Thanh Hạp, cựu thành viên Đoàn Văn công Nam Bộ, Nghị quyết 23 năm 2008 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ tình trạng yếu kém của lĩnh vực lý luận, phê bình. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến những mặt còn hạn chế của lĩnh vực VHNT hiện nay.
“Xây dựng, phát triển lĩnh vực lý luận, phê bình là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ đổi mới. Do đó, Giải thưởng VHNT TP HCM lần 3 cần lưu tâm giới thiệu, xét tặng những công trình nghiên cứu về lý luận, phê bình xứng tầm” – đạo diễn Thanh Hạp mong mỏi.
Nguồn: https://nld.com.vn/kich-thich-sang-tao-van-hoc-nghe-thuat-196240929210058484.htm