Chưa có dấu hiệu cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm, vì vậy, nhà đầu tư cần điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh Fomo “mua đuổi cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng” là điều cần thiết.
Kết thúc tuần qua, VN-Index vẫn tăng 1,48% so với tuần trước lên mức 1.290,92 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán trong phiên cuối tuần khi có 113 cổ phiếu tăng giá, 189 cổ phiếu giảm giá, 65 cổ phiếu tham chiếu tại HoSE. HNX với 60 cổ phiếu tăng giá, 63 cổ phiếu tham chiếu và 60 cổ phiếu giảm giá.
Chỉ số VN-Index ghi nhận điều chỉnh nhẹ sau khi chạm ngưỡng 1.300 điểm. Trong quá trình đi lên, thị trường khó tránh khỏi những pha rung lắc và điều chỉnh nhẹ và đây sẽ là những nhịp nghỉ để chỉ số lấy đà bước tiếp. Vận động này sẽ giúp đà tăng trở của chỉ số trở nên bền vững hơn với xác suất bứt phá thành công ngưỡng mục tiêu 1.300 điểm cũng sẽ cao hơn.
Thanh khoản trên cả 2 sàn duy trì ở mức cao với giá trị trên 22.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch gần 1 tỷ cổ phiếu trong 3 phiên cuối tuần. Trong đó khối lượng khớp lệnh trong tuần này tăng 22,53% tại HoSE và 10,4% tại HNX. Khối ngoại mua ròng trong tuần này với giá trị 1.221,2 tỷ đồng tại HoSE, tập trung nổi bật ở các cổ phiếu ngân hàng như TPB, HDB, TCB… Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng 71,07 tỷ đồng, tập trung nổi bật ở cổ phiếu SHS, PVS, CEO…
Nhóm ngành ngân hàng dưới ảnh hưởng mua ròng của khối ngoại là động lực chính ảnh hưởng tích cực lên thị trường, nhiều mã tăng giá mạnh, khối lượng đột biến như TPB (+12,04%), MSB (+9,09), STB (+8,91%), EIB (+7,55%), BVB (+5,26%), SHB (+5,26%)…
Khối ngoại cũng đang rất tích cực với thị trường khi có 8 trên 10 phiên gần nhất mua ròng. Dòng tiền khối ngoại quay lại thị trường Việt Nam, cộng hưởng với xu hướng mua ròng của nhà đầu tư trong nước sẽ trở thành động lực giúp VN-Index tiếp tục xu hướng tích cực trong giai đoạn tới.
Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực trong và ngoài nước: Ngân hàng Nhà nước liên tục mua kỳ hạn trên thị trường mở và “bơm tiền” ra hệ thống; Fed (Mỹ) cắt giảm và BoJ (Nhật Bản) hoãn kế hoạch tăng lãi suất xác nhận sóng nới lỏng chính sách tiền tệ; PBoC (Trung Quốc) tung gói kích thích kinh tế lớn và làm ấm thị trường bất động sản….
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây công bố các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ đại dịch Covid-19 tới nay. Trong đó, các nhóm giải pháp bao gồm (1) Nới lỏng chính sách tiền tệ; (2) Tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường nhà ở; (3) Hỗ trợ thị trường chứng khoán. Với việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, chuyên gia Agriseco kỳ vọng các quốc gia khác trong khu vực bao gồm Việt Nam có thể tiếp tục duy trì và tăng cường các chính sách nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, cú hích từ gói kích thích sẽ tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán và kỳ vọng đây là nhân tố thúc đẩy quá trình đảo chiều dòng vốn ngoại từ trạng thái bán ròng thành mua ròng tại các thị trường châu Á giai đoạn cuối năm.
Trong ngắn hạn, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị, không khuyến nghị mua đuổi khi VN-Index tiếp tục tăng điểm lên vùng giá 1.300 điểm, do đây không phải là vùng giá hấp dẫn. Thị trường sẽ kết thúc quý III/2024 trong phiên đến và bắt đầu quý IV/2024, cũng như bắt đầu giai đoạn đón nhận kết quả kinh doanh. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, tỷ trọng dưới mức trung bình, dòng tiền mới vẫn có thể xem xét cân nhắc, gia tăng, mở rộng danh mục đối với các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương thời điểm VN-Index 1.250 điểm trước đây.
Các vị thế mua cần đánh giá cẩn trọng dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quí II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, chỉ số VN-Index tiếp tục có một tuần bứt phá và thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.300 điểm trong phiên cuối tuần, tuy vậy, áp lực bán gia tăng đã đẩy lùi chỉ số về lại sát mức 1.290 điểm. Đây là điều không bất ngờ, vì từ đầu năm tới nay, vùng trên 1.300 điểm vẫn luôn là vùng mà VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và khó giữ vững.
Trong bối cảnh chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số VN-Index có thể dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm, thì việc nhà đầu tư điều chỉnh lại tâm lý theo hướng thận trọng hơn, tránh tâm lý Fomo “mua đuổi những cổ phiếu đã có nhịp tăng nóng” là điều cần thiết.
Đồng thời, việc quản trị rủi ro danh mục đầu tư cần được đặt ưu tiên cao, theo đó nhà đầu tư cần chủ động chốt lời một phần những mã cổ phiếu đã tăng nhanh trên 15% trong 2 tuần gần đây và giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống ngưỡng an toàn (dưới 100%). Cần hạn chế việc giải ngân mới và sử dụng đòn bẩy tài chính, ít nhất là cho đến khi chỉ số VN-Index xác nhận rõ xu hướng vận động sau khi thử thách lại vùng kháng cự 1.300 điểm.
“Việc giải ngân mới nên được thực hiện khi chỉ số VN-Index vượt thành công vùng kháng cự 1.300 điểm một cách chắc chắn và tin cậy hoặc lùi lại vùng giá hỗ trợ tại 1.260 – 1.270 điểm”, theo ông Hinh.
Ông Hình chia sẻ góc nhìn về động thái cắt giảm lãi suất vừa qua của Fed, điều chắc chắn sẽ có tác động đáng kể tới triển vọng thị trường tài chính toàn cầu nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, Fed ngày 18/9 đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, động thái được thị trường chờ đợi từ lâu, với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành. Đây là sự khởi đầu mạnh tay của Fed và cũng gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế nghiêng về kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành ngay sát cuộc họp. Có những tiếng nói cho rằng việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
Theo ý kiến cá nhân ông Hinh, góc nhìn này không toàn diện. Trong bối cảnh “lạm phát thấp hơn dự báo” và “thị trường việc làm xuất hiện những mối lo ngại dù vẫn trong tầm kiểm soát, thì việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm lại rất logic.
Chia sẻ về hành động mạnh tay, Chủ tịch Fed Jerome Powell chia sẻ “Có quan điểm cho rằng, giờ là lúc phải hỗ trợ thị trường việc làm, ngay khi thị trường còn mạnh chứ không phải khi sa thải đã bắt đầu xảy ra”. Có thể thấy rằng, mặc dù vẫn khẳng định rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang khỏe mạnh, người đứng đầu của Fed dường như đồng tình những vấn đề mà giới chuyên gia đặt ra đó là “chính sách tiền tệ có độ trễ để phát huy tác dụng và với thông tin thu lượm được từ doanh nghiệp cũng như tốc độ tuyển dụng chậm lại, giới chức Fed cảm thấy cần thiết phải chặn trước sự suy yếu mạnh mẽ hơn của thị trường việc làm”.
Do đó, việc cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành giống như “một sự can thiệp trước” của Fed hơn là “một hành động chữa cháy” khi mọi thứ đã quá muộn màng. Cùng với động thái hạ lãi suất, Fed cũng đưa ra những thay đổi khá nhất quan như hạ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – về mức 2,3% vào cuối năm nay, từ dự báo 2,6% trước đó, và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025.
Về tỷ lệ thất nghiệp, Fed dự báo con số 4,4% vào cuối năm nay, từ dự báo trước đó là 4,0% và cho rằng mức này sẽ duy trì cho tới hết năm 2025. Về tăng trưởng kinh tế, Fed dự báo mức tăng 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. hản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ sau động thái của Fed cũng củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.
Trong nước, xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến DXY suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. OMO và mua vào dự trữ ngoại hối để cung tiền đồng ra thị trường nhằm cải thiện tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm kể từ đầu năm nay.
Với những kỳ vọng trên, ông Hinh duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ (1) chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, (2) kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và (3) tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường.
Do đó, những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
Nguồn: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-309-410-khong-mua-duoi-vung-1300-diem-d226163.html