Sau thời gian nỗ lực hết mình để phấn đấu cho sự nghiệp, trong một lần khám sức khỏe ở cơ quan để thăng chức, Vương Hân (38 tuổi, ở Côn Minh, Trung Quốc) vô tình phát hiện ung thư tuyến giáp.
Theo lời Vương Hân kể lại, cô luôn cho rằng đánh giá sức khỏe tại công ty chỉ qua loa, mang tính chất giấy tờ. Nhưng vị bác sĩ đó luôn để ý đến cổ của cô kể từ khi cô bước vào phòng. Ông đã yêu cầu cô tới bệnh viện lớn để khám sâu hơn vì nghi ngờ có nốt tuyến giáp.
Cô vẫn rất chủ quan vì mình không có triệu chứng gì bất thường nhưng chồng cô thì bắt đầu lo lắng nên đã cùng cô đến Bệnh viện tuyến giáp Côn Minh Zhongyan (Côn Minh, Trung Quốc) để khám. Kết quả sinh thiết chỉ ra cô bị ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 2. Mặc dù rất sốc nhưng cô nhanh chóng quyết định phẫu thuật để trở lại với công việc và cuộc sống hàng ngày.
Thật không ngờ, chỉ hơn một năm sau Vương Hân bị tái phát ung thư tuyến giáp có di căn đến hạch sau một lần đi khám ho kéo dài. Hóa ra, ngay cả sau lần đầu phẫu thuật cô cũng không thể điều chỉnh lối sống. Thức khuya lâu ngày, căng thẳng kéo dài và ăn uống thất thường đều là những nguyên nhân gây ung thư và tái phát ung thư tuyến giáp nhưng Vương Hân chung sống với chúng mỗi ngày.
Lần này, cô nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc điều trị chuẩn mực và lối sống lành mạnh. Sau khi phẫu thuật lần hai, cô bắt đầu tìm một công việc ít áp lực hơn, chỉnh thói quen ăn uống và tăng cường tập thể dục.
Hiện tại, cô cho biết rất hài lòng với cuộc sống hiện tại, sức khỏe cũng ổn định và thường xuyên tái khám tuyến giáp định kỳ.
Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?
Ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp có 4 dạng: ung thư nhú, ung thư nang, thể tủy và ung thư không biệt hóa. Trong đó: Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất và khó điều trị nhất, ung thư nhú chiếm tỉ lệ cao nhất và tiên lượng tốt.
Một điều may mắn hơn cả đó là có tỷ lệ chữa khỏi căn bệnh này nếu được phát hiện sớm có thể lên tới 90%. Đây được cho là bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao nhất trong các loại ung thư khác nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp
Hiện tại, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Tuy nhiên, cần chú ý đến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp như:
Rối loạn hệ miễn dịch
Rối loạn hệ miễn dịch là nguyên nhân đầu tiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sinh sản sinh ra các kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn bị suy giảm. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp bị xâm hại, gây ung thư tuyến giáp.
Nhiễm phóng xạ
Cơ thể người có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, qua đường hô hấp gây ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Yếu tố di truyền
Thực tế cho thấy khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có gia đình có bố mẹ, hoặc người thân mắc bệnh.
Yếu tố tuổi tác
Ở độ tuổi 30- 50, ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Nguyên nhân nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là do yếu tố hoóc-môn ở phụ nữ kích thích quá trình hình thành bướu ở tuyến giáp, hạch tuyến giáp. Theo thời gian, các bướu này có thể phát triển thành ung thư.
Mắc bệnh tuyến giáp
Người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hoóc-môn tuyến giáp bị suy giảm sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống i ốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như: Thiếu i ốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì…
Dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, thường được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát.
Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn hơn với biểu hiện là: Khối u trước cổ di động theo nhịp nuốt, khàn tiếng, khó thở, nổi hạch cổ.
Khi nhận thấy những bất thường ở cơ thể, chúng ta cần đi khám ngay, khám tổng quát cũng như khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Các bác sĩ khuyến cáo, chúng ta nên đi khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần để hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, cũng như có hướng tầm soát điều trị bệnh sớm.
Đối với ung thư tuyến giáp, chúng ta cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm chẩn đoán tế bào học để phát hiện ung thư tuyến giáp.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-38-tuoi-dang-khoe-manh-bat-ngo-phat-hien-ung-thu-tuyen-giap-thua-nhan-mot-sai-lam-nhieu-nguoi-viet-mac-phai-172240928123411125.htm