Sự việc phụ huynh lao vào trường đánh hai học sinh vừa xảy ra tại Quảng Nam không phải là trường hợp cá biệt.
Thời gian qua đã có hàng loạt vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, đánh cả giáo viên hay thậm chí còn có cả cảnh phụ huynh vác dao “đe” hiệu trưởng.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng TS xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM trước vấn đề nhức nhối này.
Thưa bà, tại Quảng Nam vừa xảy ra sự việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, chuyện không còn lạ gần đây. Là nhà xã hội học, bà nhìn nhận về những vụ việc này như thế nào?
– Đầu tiên phải khẳng định hành vi bạo lực với người khác, với bất kỳ ai, ngay cả bố mẹ đánh con cũng là sai trái, là hành vi vi phạm pháp luật.
Không có lý do gì để bao biện cho hành vi bạo lực với người khác, đặc biệt là hành vi lao vào trường đánh học sinh, hay đánh cả giáo viên. Những hành vi này phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ nhiều sự việc phụ huynh xông vào trường đánh học sinh, giáo viên tôi thấy có 5 nguyên nhân chính, đều có mắt xích với nhau.
Đầu tiên phải nói đến việc khi con bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, phụ huynh cực kỳ sợ hãi, lo lắng. Khi sợ hãi, lo lắng dẫn đến mất bình tĩnh, họ đã hành xử theo cách trút sự tức giận, lo lắng này vào người họ nghĩ là bắt nạt con họ, gây nguy hiểm cho con họ.
Thứ hai, một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận là chỉ số cảm xúc EQ của một bộ phận dân chúng hiện rất thấp. Đặc biệt là những người đang ở trong bối cảnh căng thẳng dễ bị mất kiểm soát, thiếu sự đồng cảm, hợp tác…
Thứ ba, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, nhiều người phải đối mặt với áp lực tài chính, áp lực công ăn việc làm nên mang rất nhiều bức xúc trong mình.
Những bức xúc đó có thể kéo theo những vụ bạo lực. Vấn đề này đã được dự báo từ lâu, khi xã hội có những rối loạn về kinh tế, về niềm tin, con người càng trở nên bức xúc. Tôi e rằng bạo lực sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh áp lực như hiện nay.
Thứ tư là việc mất niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật, ở đây là niềm tin vào sự nghiêm minh trong giáo dục. Khi mất niềm tin, người ta có xu hướng chọn cách tự xử, dùng “luật rừng”.
Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh, hay đánh cả thầy cô giáo để giải quyết vấn đề là vì họ không tin sự nghiêm minh của nhà trường.
Đây chính là yếu tố đang thúc đẩy bạo lực trong xã hội Việt Nam, không chỉ riêng trong trường học. Khi có sự việc, thay vì báo cơ quan công quyền, nhiều người chọn cách tự xử lý.
Nguyên nhân thứ 5 bao trùm tất cả và đáng lo ngại nhất là vấn đề suy thoái đạo đức. Tôi không nói suy thoái đạo đức nói chung mà ở chỗ quan điểm, nhận thức về giá trị con người đang bị sụt giảm, lung lay.
Ngày trước những đối tượng như trẻ em, giáo viên, bác sĩ rất được coi trọng, được bảo vệ. Nhưng giờ đây những đối tượng này lại cũng có thể bị tấn công, hành hung.
Những chuẩn mực, hệ thống giá trị đâu là đúng, đâu là sai, đâu là tốt, đâu là xấu đang bị đảo lộn. Hệ giá trị đang thiếu sự trân trọng đối với con người, ngay cả với những đối tượng cần được coi trọng, bảo vệ nhất.
Từ nhiều vụ việc phụ huynh lao vào trường đánh bạn học của con, dường như giờ đây không ít người đã từ chối hợp tác cùng nhà trường hay chờ đợi nhà trường giải quyết vấn đề?
– Như tôi nói ở trên, người ta có xu hướng “tự xử” khi mất niềm tin. Họ không có niềm tin vào hệ thống giáo dục, không có niềm tin vào hệ thống pháp luật áp dụng trong nhà trường.
Họ không tin rằng nếu họ phản hồi sự việc đến hiệu trưởng thì hiệu trưởng sẽ giải quyết việc này. Họ không có niềm tin con mình sẽ được bảo vệ.
Thứ phụ huynh nhìn thấy là tình trạng học đường đang cực kỳ nghiêm trọng. Trước mỗi vụ bạo lực học đường, phụ huynh sợ lắm, bất an lắm. Nên chỉ cần con chớm sưng mắt, xước tay thôi họ có thể nổi điên rồi. Vì người ta lo, vì người ta sợ đấy!
Họ sợ hậu quả của bạo lực học đường. Họ sợ nếu mình không ra tay ngăn chặn thì con sẽ là nạn nhân của bạo lực học đường.
– Như bà nói, phải chăng những sự việc này không chỉ dừng lại ở “cách hành xử cá nhân của phụ huynh” mà còn là vấn đề từ trường học?
– Phụ huynh xông vào trường đánh học sinh là dấu hiệu cho thấy nhà trường cần phải điều chỉnh, phải xem lại cách quản lý.
Trong sự việc phụ huynh lao vào trường đánh hai học sinh ở Quảng Nam, tôi thấy có chi tiết giáo viên và bảo vệ can ngăn nhưng không được. Quá nguy hiểm! Vai trò của bảo vệ trường học, vai trò của nhà trường trong việc bảo vệ học sinh ở đâu?
Tại sao phụ huynh có thể dễ dàng bước qua cánh cổng trường để xông vào lớp đánh học sinh như vậy? Không chỉ là phụ huynh mà có thể là những kẻ đầu gấu, đòi nợ, bắt cóc bên ngoài xông vào thì sao?
Nhà trường đã có phương án bảo vệ học sinh của mình, ít nhất là trong khuôn viên trường học chưa? Sự an toàn của học sinh trong nhà trường được bảo đảm ra sao? Trường học phải xem lại quy trình và hàng rào bảo vệ học sinh, phải có những biện pháp phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường phải xem mình đã quản lý và xử lý, giải quyết như thế nào trước những hành vi sai trái của học trò, của giáo viên để phụ huynh yên tâm rằng đây là môi trường an toàn cho con cái họ mỗi ngày đến trường.
Trước sự việc này, trách nhiệm của người quản lý trường học là phải hỏi tại sao phụ huynh không tin mình mà lại chọn cách “tự xử”. Đây là điều nhà trường phải xem lại, phải điều chỉnh chứ không chỉ nhìn thấy lỗi ở phía phụ huynh.
Sự việc phụ huynh xông vào trường đánh học trò là tiếng chuông báo động đến tất cả các trường học, không riêng gì ở nơi nào, trường nào.
Ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là ở TPHCM đang xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc. Tiêu chí đầu tiên của trường học hạnh phúc phải là sự an toàn.
– Qua những sự việc này, chúng ta thấy các chủ thể quan trọng trong giáo dục là nhà trường – giáo viên – phụ huynh – học sinh, mối quan hệ vốn cần có sự tương hỗ, hợp tác thì dường như đang có sự đối đầu?
Bạo lực xảy ra thường là khi người ta bức xúc xuất phát từ việc thiếu hiểu nhau, thiếu thông tin, thiếu giao tiếp, thiếu kỹ năng kiểm soát…
Theo tôi nhà trường và phụ huynh cần tăng cường trao đổi, đối thoại để các bên hiểu nhau, hiểu về những nhu cầu, mong muốn, phương hướng của nhau. Tăng cường sự giao tiếp, trao đổi giữa gia đình và nhà trường, giữa phụ huynh và giáo viên, giữa học sinh và giáo viên và giữa cả phụ huynh và phụ huynh.
Qua đó giúp phụ huynh yên tâm, tránh chọn cách tự xử lý.
Không chỉ trong trường học mà ở góc độ xã hội, cũng rất cần những chương trình hỗ trợ, giải tỏa tâm lý, hướng dẫn người dân kỹ năng chuyển hóa cảm xúc; kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho văn hóa…
– Bà từng nói khi người lớn chưa dừng hành vi bạo lực thì đừng hy vọng trẻ em không hành xử bạo lực. Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh cũng là nét vẽ tô đậm thêm cho tình trạng bạo lực học đường đang nhức nhối?
– Đúng vậy, quan điểm này đã được tôi đề cập tại nhiều chương trình, tọa đàm về bạo lực học đường, về trường học hạnh phúc. Cảm ơn bạn đã nhớ và nhắc lại.
Chúng ta nói nhiều về việc ngăn chặn nạn bạo lực học đường nhưng tôi muốn nói, khi bạo lực trong gia đình không dừng thì không bao giờ hết bạo lực học đường.
Khi người lớn, nhất là phụ huynh, giáo viên chưa dừng hành vi bạo lực thì rất khó để nói, để dạy các em “đừng đánh nhau”.
Trẻ em nhiễm tính bạo lực từ người lớn. Muốn trẻ điều chỉnh, người lớn chúng ta phải thay đổi cách hành xử với tất cả mọi người xung quanh.
Phụ huynh có hành vi bạo lực thì đừng mong con không có hành vi bạo lực. Phụ huynh lao vào trường đánh bạn của con là đang trao cho con cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Bạo lực như một bánh xe quay vòng khủng khiếp như vậy. Và ai ngoài chính mỗi người lớn chúng ta, trước hết cần có trách nhiệm trong việc dừng vòng quay của bánh xe này?
– Trân trọng cảm ơn bà về những trao đổi thẳng thắn.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/phu-huynh-lao-vao-truong-danh-hoc-sinh-dung-chi-thay-loi-tu-phu-huynh-20240927122422128.htm