Hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Bên cạnh việc ban hành các chính sách hỗ trợ, tổ chức các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các CLB khởi nghiệp ở nhiều địa phương, đơn vị đã ra đời và tổ chức được nhiều hoạt động đi vào chiều sâu, thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ sáng tạo lập nghiệp và làm giàu cho chính mình, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh, những năm gần đây, nhiều giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đã được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, việc tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp được tỉnh chú trọng, với mong muốn phát triển hạ tầng vườn ươm doanh nghiệp, kết nối nguồn lực; phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ; xây dựng văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng. Tỉnh đã và đang dành nhiều sự quan tâm cho mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua những cơ chế, chính sách mang tính động lực. Trong đó, có thể kể đến Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh… Hay mới đây nhất là Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 14/4/2023 của UBND tỉnh.
Trong Kế hoạch, một trong ba mục tiêu chung đề ra là tập trung thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các giải pháp như: Tập trung thực hiện hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ kê khai thuế, kế toán; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh đồng thời tăng cường công tác vận động hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đồng thời triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Quốc gia về khởi nghiệp, phổ biến rộng rãi các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với các quyết sách ở tầm vĩ mô của tỉnh, các sở, ngành chức năng cũng vào cuộc tích cực, chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tiêu biểu như sự ra đời của các CLB đầu tư khởi nghiệp; các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp; cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm khởi nghiệp; tạo điều kiện về giải quyết TTHC, vay vốn ưu đãi, tư vấn hỗ trợ pháp lý, thuế…
Với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, tính chung giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có gần 7.600 doanh nghiệp khu vực tư nhân đăng ký thành lập mới, tăng 56,7% so với giai đoạn 2011-2015. Đến thời điểm hiện nay, có trên 8.600 doanh nghiệp tư nhân và hơn 1.000 chi nhánh đang hoạt động. Cũng trong giai đoạn này, mức tăng trưởng bình quân số lao động đạt khoảng 2,5%/năm; thu nhập của người lao động đạt khoảng 7,5 %/năm; mức đóng góp vào ngân sách địa phương đạt khoảng 12%/năm… Đến hết năm 2022, tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc hiện có trên địa bàn tỉnh là hơn 17.300 đơn vị với tổng số vốn đăng ký đạt 385.550 tỷ đồng.
Tuy đã đạt được những kết quả tương đối khả quan, nhưng xét về mặt tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển thì con số doanh nghiệp cũng như hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Cùng với đó, các phong trào khởi nghiệp hoạt động phân tán, thiếu tập trung; các mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hình thành đồng bộ. Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế; thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt là ý tưởng khởi nghiệp chưa nhiều, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, thiếu tính đổi mới sáng tạo, thiếu các dịch vụ hỗ trợ về tiếp cận tài chính, tư vấn hỗ trợ để thương mại hóa sản phẩm, phát triển doanh nghiệp thành công, chưa tương xứng với tiềm năng…
Trước thực trạng trên, Sở KH&ĐT đã lên kế hoạch và tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đưa ra những báo cáo chuyên đề về thực trạng hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh. Trong đó, tập trung ban hành những cơ chế, chính sách linh hoạt, thực tế; hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến tài chính, quản trị, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường, truyền thông; tổ chức tốt các hoạt động tạo hứng khởi cho cộng đồng khởi nghiệp; xây dựng hệ thống vườn ươm…
Các sở, ngành chức năng của tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh với cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất, tạo lợi thế và thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Đồng thời tập trung vào công tác cải cách TTHC liên quan đến doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận vốn vay; hỗ trợ về thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, truyền thông, liên kết, kết nối hệ sinh thái; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng KHCN trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo…