Trương Khánh Linh (sinh năm 2000) đang là một tác giả tự do, người sáng tạo nội dung đa nền tảng trong lĩnh vực học tập.
Khánh Linh là chủ kênh TikTok “Growth with Lily” cùng các kênh mạng xã hội khác đang có hơn 100.000 người theo dõi và Linh cũng là quản trị viên của cộng đồng “DeepLife – Phát triển bản thân qua đọc và viết” trên Facebook.
Ai cũng có thể đọc nhưng không phải ai cũng có “kỹ năng đọc”
Theo Khánh Linh, kỹ năng đọc sách phải được rèn luyện. Ai cũng có thể đọc nhưng không phải ai cũng có kỹ năng đọc. Qua quá trình đọc sách, Linh tự đúc kết được rằng kỹ năng đọc là tập hợp của 3 kỹ năng nhỏ: kỹ năng chọn sách để đọc, kỹ năng đọc chủ động, kỹ năng thực hành những gì mình đọc.
Khánh Linh nhận định hàng tháng có hàng trăm đầu sách được tung ra thị trường, việc chọn được cuốn sách mình cần sẽ phải dựa vào nhu cầu của bản thân. Linh sẽ lên mạng để tìm kiếm các sách viết về vấn đề mình đang quan tâm. Chọn lọc ra 2-3 cuốn sách luôn được đề xuất trong các trang web đầu tiên và đọc review về những cuốn sách đó. Tìm bản đọc thử, đọc mục lục để biết nội dung trong cuốn sách nào sẽ cần thiết cho bản thân, sau đó mới đưa ra sự lựa chọn cuối cùng. Ngoài ra, Khánh Linh còn có các tiêu chí phụ về năm xuất bản, tác giả… khi chọn sách.
“Có nhiều người khi đọc sách, chỉ cầm mỗi quyển sách và ngồi đọc thì đó là phương pháp đọc không hiệu quả. Bởi vì họ đang đọc bị động, họ chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông tin từ sách mà không phản hồi gì lại với trang sách”, Khánh Linh nói.
Khi đọc sách, Linh thường chuẩn bị bút dạ quang, bút chì, giấy ghi chú để đánh dấu lại những nội dung mà bản thân thấy hay, ghi chép lại những ý tưởng trong đầu và luôn đặt ra câu hỏi. “Hãy làm cho việc đọc sách trở nên thú vị bằng cách thêm màu sắc và viết ra những gì mình suy nghĩ. Mỗi lần đọc sách chủ động như vậy thì não bộ sẽ ghi nhớ rất lâu”, Khánh Linh chia sẻ.
Khánh Linh nhận định đọc nhiều không quan trọng bằng việc mình biết được điều gì là đúng và có thể áp dụng được cho cuộc sống. Việc đọc chỉ khơi gợi về mặt nhận thức, khi mình đọc mình thấy hay nhưng mình có thực hành được hay không mới quan trọng. Bởi vì có một số điều trong sách sẽ đúng với người khác nhưng không hẳn là đúng với mình, vấn đề cốt lõi là phải tự thực hành, tự đặt ra câu hỏi, biết tư duy phản biện và đưa ra giải pháp, lựa chọn phù hợp với bản thân.
Làm thế nào để đọc được 100 cuốn sách trong một năm
Mỗi ngày, dù bận rộn đến đâu, Linh sẽ dành tối thiểu 30 phút để đọc sách, luôn mang theo sách trong balo và ebook trong điện thoại. “Mọi người thường nghĩ để đọc được hàng trăm cuốn sách thì phải có bí quyết gì đấy nhưng không, mình chỉ làm những việc nhỏ nhưng kỷ luật, đều đặn và duy trì thói quen của mình”, Linh thổ lộ.
Khánh Linh chia sẻ rằng một số người nói không có thời gian để đọc sách trong khi có một thực tế rằng chỉ cần ngừng 5 phút lướt điện thoại, người đó đã có thể đọc được một trang sách. Hiện nay, các ứng dụng sách nói trên điện thoại cũng rất phát triển, vấn đề không phải là không có thời gian mà là mình muốn làm hay không. “Nếu muốn thì bạn sẽ tìm cách, nếu không muốn, bạn sẽ tìm lý do”, Linh nhấn mạnh.
“Nếu bạn không có thời gian để đọc sách giấy, bạn có thể nghe sách nói, đọc ebook trên điện thoại. Mình tranh thủ đọc những khoảng thời gian rảnh như trong lúc đợi pha cà phê, trong thời gian nghỉ trưa ở công ty hoặc nghe sách nói khi tập gym…, và mình nhận thấy rằng tất cả mọi người đều luôn có đủ 30 phút để đọc sách mỗi ngày”, Khánh Linh tâm sự.
Bên cạnh đó, Linh cho biết bản thân có khả năng đọc đa thể loại sách như sách văn học, tâm lý, self-help, chuyên ngành…, vì nếu chỉ đọc một thể loại yêu thích, Linh sẽ không thể có được một góc nhìn đa dạng, đa chiều ở mọi lĩnh vực. Thêm nữa, thời gian đọc sách theo từng thể loại cũng khác nhau.
Linh cho biết bản thân thường đọc sách chuyên ngành, những cuốn sách có nhiều thông tin khó vào buổi sáng vì đó là lúc mình tập trung tốt nhất. Vào buổi chiều, khi mệt mỏi và mất tập trung, Linh sẽ đổi sang đọc tiểu thuyết, văn học, vốn là những thể loại có cốt truyện, nhân vật nên não bộ không cần phải gắng sức quá nhiều để suy nghĩ.
Nếu như có nhiều thời gian để đọc sách, Linh sẽ chia nhỏ thời gian để đọc 3 cuốn sách khác nhau, làm cho bản thân không bị nhàm chán hoặc buồn ngủ. Ví dụ khi có 1 giờ 30 phút để đọc, Linh sẽ dành mỗi 30 phút để đọc về văn học, tâm lý và thói quen.
Khánh Linh tự đặt ra câu hỏi: “Giữa một thời đại phát triển của công nghệ, những yếu tố gây sao nhãng cũng trở nên tinh vi hơn và có những tác động không nhỏ đến sự tập trung của con người. Vậy làm sao để có thể giữ cho mình tập trung đọc sách và học tập khi có rất nhiều tác nhân gây mất tập trung?”.
“Mỗi khi cầm điện thoại lên, bạn hãy thử dừng lại và đặt câu hỏi cho mình rằng mình đang tìm kiếm điều gì? Việc đọc sách và lướt điện thoại thì cái nào sẽ tốt và mang lại lợi ích lâu dài hơn? Khi đặt những câu hỏi như vậy thì bản thân sẽ tự có động lực để đọc sách và học tập. Đó vốn là những hành động sẽ đem lại cho bạn niềm vui dài hạn, thay vì chạy theo những thú vui ngắn hạn như lướt mạng xã hội”, Linh bộc bạch.
Là một người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Khánh Linh luôn muốn mang lại nguồn động lực giúp người khác học tập và phát triển bản thân. “Hạnh phúc của một người viết như mình là có thể gián tiếp tác động vào một ai đấy và giúp họ thay đổi cuộc đời. Sách là thứ mang lại giá trị dài hạn nên mình mong có thể truyền cảm hứng cho người khác thực hành việc đọc sách, có thói quen đọc sách”, Linh chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bi-quyet-doc-2000-cuon-sach-cua-mot-gen-z-185240928175530064.htm