Ngày 16/7, Bộ Tư pháp đã công bố tài liệu họp thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được thực hiện trong 3 đợt, gồm: từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020; từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022; từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Từ ngày 1/1/2024, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, láp ráp trong nước thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, theo đó mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu LPTB đổi với ô ttô cùng loại.
Bước vào đầu năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ các yếu tố trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng cao… làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.
Căn cứ thực tế thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô đầu năm 2024 (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể.
Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA đạt 108.309 xe, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó xe du lịch đạt 77.351 chiếc, giảm 7%; xe thương mại đạt 30.022 chiếc, tăng 2% và xe chuyên dụng đạt 936 chiếc, giảm 13% so với năm 2023).
Theo VAMA, sản lượng tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân trong 5 tháng đầu năm 2024 khoảng 10.977 xe/tháng. Trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, dự kiến trong năm 2024, nền kinh tế nói chung và thị trường ô tô nói riêng còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác do suy thoái kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu và tình trạng đứt gãy nguồn cung, đặc biệt trở nên căng thẳng từ sau giai đoạn dịch bệnh.
Năm 2024, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên lục giám thì ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024, nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, vượt lên, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe sản xuất trong nước.
Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định FTA, trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% . Việc thực hiện các cam kết này sẽ gây sức ép xe nhập khẩu có chất lượng, công nghệ cao, giá thành cạnh tranh đối với sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích câu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng cũng như sức bật giúp thị trường tăng trường trở lại, đồng đều và bền vừng.
Bộ Tài chính cho biết thêm qua các năm, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ cũng có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, lần lượt là 7.314 tỷ đồng; 7.896 tỷ đồng và 5.238 tỷ đồng.
Nếu năm 2024 tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỷ đồng.
Tại hồ sơ này, Bộ Tài chính cũng cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo Nghị định. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế.
Cụ thể, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Tại công văn ngày 26/4/2024 và Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 31/5/2024, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong đó, cơ quan này đã đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế và đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: cân nhắc không thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
Tuy nhiên, tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến: “Hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và thực hiện xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách, rút gọn.
Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ Nghị định về mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong đó lưu ý bổ sung nội dung phân tích, đánh giá tác động đảm bảo đầy đủ, toàn diện, nhất quán (tác động số thu NSNN, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ vi phạm các cam kết, khả năng khiếu nại, khiếu kiện), báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2024″.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại thông báo nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, để ứng phó với việc vi phạm cam kết quốc tế như các bộ đã nêu, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bo-tai-chinh-khong-muon-giam-le-phi-truoc-ba-o-to-san-xuat-trong-nuoc-204240717143652054.htm