Trang chủPolitical ActivitiesĐại tướng Lê Trọng Tấn

Đại tướng Lê Trọng Tấn


(Bqp.vn) – Đồng chí Lê Trọng Tấn (tên thật là Lê Trọng Tố), sinh ngày 01/10/1914 trong một gia đình nông dân yêu nước tại thôn An Định, làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Trải qua hơn 40 năm hoạt động cách mạng, dù trên bất cứ cương vị nào, đồng chí Lê Trọng Tấn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó. Đại tướng Lê Trọng Tấn thực sự là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng Lê Trọng Tấn (Lê Trọng Tố).

(1914 – 1986)

Nhà quân sự mưu lược, sáng tạo và quyết đoán

Trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, trải qua nhiều vị trí chỉ huy khác nhau của Quân đội, từ chỉ huy đánh đồn Đồng Quan giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nét nổi bật về tài năng quân sự của Đại tướng Lê Trọng Tấn là chỉ huy giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch; một vị tướng trận mạc, luôn có mặt ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, có khả năng chỉ huy làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Đại tướng Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go phức tạp thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong chiến dịch Việt Bắc (1947), Trung đoàn 87 của Khu 10 do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy đã lập công xuất sắc trên sông Lô, góp phần cùng với quân dân Việt Bắc đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang một thời kỳ mới. Trong chiến dịch Sông Thao (1949), đồng chí Lê Trọng Tấn được cấp trên giao làm Tư lệnh chiến dịch. Đây là một trong những chiến dịch đánh lớn đầu tiên của Quân đội ta. Chiến dịch kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt và bức rút 25 cứ điểm, phá vỡ một mảng lớn phòng tuyến Sông Thao, tạo thế liên hoàn nối liền vùng tự do của ba tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Qua chiến dịch, bộ đội chủ lực tiến bộ vượt bậc về chiến thuật diệt cứ điểm. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Trung đoàn 209 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng, được Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ định làm Chỉ huy phó trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Đông Khê trực tiếp chỉ huy đánh bại Binh đoàn Sác-tông, góp phần vào thắng lợi, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh… Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với bản lĩnh chỉ huy kiên quyết, sáng tạo, đồng chí Lê Trọng Tấn trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 đã cùng tập thể chỉ huy động viên, khơi dậy sức mạnh ý chí của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, quán triệt và thực hiện tốt việc chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, tổ chức tiến công tiêu diệt địch, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đồng chí Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên trái) tại Sở Chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972. (ảnh: TTXVN)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam, trí tuệ, tài thao lược của Đại tướng Lê Trọng Tấn tiếp tục được khẳng định trong những chiến dịch lớn mà đồng chí được cử làm Tư lệnh chiến dịch. Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (từ ngày 20/01 – 23/3/1971) là một chiến dịch phản công, đánh tiêu diệt quy mô lớn, trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy quân và dân ta chiến đấu ngoan cường, mưu trí, giành thắng lớn; đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, tác động mạnh đến cục diện chiến trường, giáng đòn nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch.

Đảm nhiệm cương vị Tư lệnh chiến dịch trong Chiến dịch Trị Thiên (1972), đồng chí Lê Trọng Tấn đã cùng tập thể chỉ huy quân và dân ta tiến công, tiêu diệt địch, giải phóng tỉnh Quảng Trị và một số xã tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng, tiến tới góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước. Trong chiến dịch Huế – Đà Nẵng (3/1975), Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn đã chỉ huy các lực lượng làm nên chiến công vang dội, góp phần làm tan rã quân đội Sài Gòn, đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tập trung lực lượng thực hiện đòn tiến công chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam Việt Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4/1975), đồng chí Lê Trọng Tấn là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông và Đông Nam, gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tiến vào Dinh Độc Lập bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến tranh biên giới Tây Nam (1979) nổ ra, đồng chí Lê Trọng Tấn được cử làm Tư lệnh mặt trận Tây Nam, với tài thao lược, đồng chí đã chỉ huy quân và dân ta phối hợp chặt chẽ với quân và dân Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng và giành những thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn Thủ đô Phnôm Pênh (7/01/1979), giúp đất nước Cam-pu-chia hồi sinh, xây dựng lại đất nước.

Nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể

Đại tướng Lê Trọng Tấn – Nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng được thể hiện trước hết trong công tác tham mưu, tác chiến mà đồng chí đảm nhận. Từ năm 1961 – 1978, đồng chí là Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kiêm Tư lệnh của nhiều mặt trận; từ năm 1978 – 1986, đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương hoạch định kế hoạch quân sự trong kháng chiến và xây dựng đất nước. Chỉ tính riêng hai chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX (Điện Biên Phủ và Hồ Chí Minh) đều in đậm dấu ấn của nhà tham mưu chiến lược tài giỏi Lê Trọng Tấn.

Mùa Hè năm 1953, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn và Đại đoàn phó Đại đoàn 308 Cao Văn Khánh – Những con người chỉ huy tài giỏi của hai Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta được giao nhiệm vụ phụ trách tổ nghiên cứu chuyên đề “Tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm”. Trên cơ sở nghiên cứu những kinh nghiệm thành công và thất bại của bộ đội ta khi tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản, dựa vào cách bố trí của địch ở thị xã Hòa Bình trong Chiến dịch Hòa Bình, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc và Hồng quân Liên Xô, tổ nghiên cứu đã biên soạn tài liệu tiến công tập đoàn cứ điểm. Chuyên đề “Tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm” được Bộ Quốc phòng thảo luận làm tiền đề cho phương án tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là sự đóng góp to lớn của hai nhà tham mưu chiến lược cho chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Từ đầu năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tổ Trung tâm để nghiên cứu kế hoạch quân sự giải phóng miền Nam do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tổ trưởng. Nhiều vấn đề về chiến lược được đặt ra và thảo luận tại Tổ, làm tiền đề để Bộ Quốc phòng dự thảo “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Tháng 7/1974, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), đồng chí Lê Trọng Tấn đã báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về “Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam”. Tại hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30/9 – 8/10/1974, Đại tướng Lê Trọng Tấn báo cáo Đề án kế hoạch chiến lược hai năm và riêng năm 1975 với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Sau hai ngày thảo luận, Bộ Chính trị thống nhất với kết luận của đồng chí Lê Duẩn: Quyết tâm của ta là động viên nỗ lực toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn – sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền trung ương và các cấp, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Năm 1975, sau chiến thắng Phước Long, Bộ chính trị có cơ sở khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Hội đồng khoa học quân sự Bộ Quốc phòng được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chủ tịch; Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng làm Phó Chủ tịch thứ nhất; hai Phó Tổng Tham mưu trưởng là Thượng tướng Hoàng Văn Thái và đồng chí Lê Trọng Tấn làm Phó Chủ tịch thường trực. Nhiệm vụ của Hội đồng là nghiên cứu và từng bước có kế hoạch rà soát từng chuyên đề của kế hoạch Tổng tiến công giải phóng miền Nam của Bộ Tổng Tham mưu đã dự thảo, trao đổi những vấn đề lớn về chiến dịch, kinh nghiệm về tiến công và nổi dậy, cũng như những vấn đề về lý luận quân sự, nghệ thuật quân sự đã được tổng kết.

Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị bàn về Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp, trọng tâm bàn về chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu nhưng ngay từ đầu tháng 2, đồng chí Lê Trọng Tấn đã đề nghị và được Quân ủy Trung ương đồng ý việc nghiên cứu kế hoạch tác chiến các bước tiếp theo chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Sài Gòn. Khi Tổng Tư lệnh hạ quyết tâm mở chiến dịch Huế – Đà Nẵng thì đồng chí được cử làm Tư lệnh chiến dịch và đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau chiến thắng Huế – Đà Nẵng, đồng chí Lê Trọng Tấn cũng là người nêu ý kiến về việc thành lập cánh quân phía Đông theo quốc lộ 1 tiến vào Sài Gòn. Thực tiễn chứng minh đề nghị ấy là chuẩn xác, có tầm chiến lược. Đó là một hướng tiến công rất lợi hại trong chiến dịch mang tên Bác. Được sự đồng ý của đồng chí Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cánh quân phía Đông được thành lập và do đồng chí làm chỉ huy đã thần tốc tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Trong Hội nghị tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”.

Từ những trải nghiệm sâu sắc thực tiễn chiến trường và trước những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, đồng chí Lê Trọng Tấn đã viết nhiều tác phẩm, luận văn quân sự có giá trị cùng hàng chục bài báo đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước. Các tác phẩm mà đồng chí Lê Trọng Tấn để lại thực sự là những công trình khoa học, tổng kết giàu tính thực tiễn và lý luận nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Quân đội những vấn đề chiến lược về quân sự, quốc phòng nhưng cũng rất cụ thể. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Xây dựng và thực hiện phương hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, quy chế, quy định của Nhà nước và Quân đội trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng và chỉ đạo tổ chức thực hiện; hoạch định cơ chế, chính sách quân sự, quốc phòng ở tầm toàn quân và giải pháp, quy định, môi trường pháp lý cho các hoạt động quân sự; xây dựng để trên phê duyệt, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, trong đó tập trung vào xác lập cơ chế quản lý điều hành, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và đơn vị; xây dựng tổ chức, con người, nhất là công tác nhà trường, huấn luyện quân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự, tham mưu của lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, đồng chí Lê Trọng Tấn rất coi trọng và quan tâm đến việc xây dựng nền nghệ thuật quân sự Việt Nam và phát triển nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công, phản công, phòng ngự; về chỉ đạo tác chiến; về xây dựng huyện thành pháo đài và phát huy vai trò của dân quân, tự vệ; về nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội chủ lực và trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ chỉ huy, cơ quan chỉ huy các binh đoàn; về phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng trong chiến tranh giải phóng dân tộc; về huấn luyện chiến đấu trong những điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN… Từ những vấn đề được đặt ra trong thực tiễn chiến đấu và đều được giải quyết thành công ngay trong thực tiễn sống động một cách sáng tạo theo đường lối, quan điểm của Đảng, đồng chí rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác huấn luyện, xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại. Đó cũng chính là những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Trọng Tấn trong công tác nghiên cứu, học tập của cán bộ các cấp cũng như đối với việc xây dựng, phát huy những đặc điểm độc đáo của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện nay và mai sau.

Người chỉ huy đức độ, hết lòng thương yêu bộ đội

Đại tướng Lê Trọng Tấn được cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân yêu mến không chỉ ở tài năng cầm quân đánh giặc mà còn ở đức độ. Là một cán bộ quân sự, nhưng đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, sống có tình nghĩa, thủy chung, rất mực thương yêu bộ đội. Đại tướng Lê Trọng Tấn hiểu sức mạnh hơn cả vũ khí của đội quân cách mạng chính là yếu tố con người. Tình thương yêu giữa cán bộ và chiến sĩ lúc thường cũng như lúc chiến đấu quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội. Là người trực tiếp chỉ huy của nhiều trận đánh, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn đau xót mỗi khi ra trận có những cán bộ, chiến sĩ dưới quyền phải hy sinh, mãi mãi không trở về. Thắng lợi trong từng trận đánh, tất yếu có sự hy sinh và đổ máu, nhưng đồng chí không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Với Đại tướng Lê Trọng Tấn, xương máu của mỗi cán bộ, chiến sĩ là vô giá và đồng chí luôn thận trọng tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất. Chính vì thế, trong mỗi một trận đánh dù nhỏ hay lớn, đồng chí đều suy nghĩ, rút kinh nghiệm; luôn luôn nghiêm khắc kiểm điểm, trung thực và thẳng thắn để những trận đánh sau thắng lợi mà bớt đổ xương máu của bộ đội.

Trong sinh hoạt, đồng chí Lê Trọng Tấn luôn thể hiện tác phong sinh hoạt dân chủ, tôn trọng quần chúng; sâu sát, gần gũi, thân mật, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ. Điều đồng chí quan tâm nhất là chăm lo giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, trước hết là đoàn kết trong nội bộ cấp ủy và thủ trưởng đơn vị. Trước những công việc lớn và nhất là khi gặp những tình huống gay go, khó khăn, phức tạp, đồng chí đều tổ chức các cuộc họp mở rộng để lấy ý kiến tham gia đóng góp của những cán bộ và các bộ phận có liên quan. Trong những cuộc họp như vậy, đồng chí thường phát biểu ít và hết sức trân trọng, lắng nghe, ghi chép ngắn gọn ý kiến phát biểu của mọi người. Với những ý kiến khác nhau thì đồng chí lại ghi chép khá tỉ mỉ, không bao giờ cắt ngang, mà còn gợi ý để cấp dưới trình bày hết ý kiến của mình và cuối cùng đồng chí kết luận. Những kết luận của đồng chí rất ngắn gọn, dễ hiểu và thông thường là thoả đáng, chính xác, quyết đoán, khiến cho cấp dưới được vững tin và có cơ sở vững chắc trong tổ chức triển khai thực hiện.

Một phẩm chất cao đẹp của Đại tướng Lê Trọng Tấn đó là tính cương trực, thẳng thắn. Với bản thân, khi có khuyết điểm, đồng chí sẵn sàng nhận lỗi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, cầu thị. Ngược lại, với những sai lầm, thiếu sót của cán bộ cấp dưới, đồng chí luôn nghiêm khắc nhưng không thành kiến, luôn tha thứ và tiếp tục giao việc, giúp đỡ tiến bộ. Đặc biệt, đồng chí thường xuyên chăm lo bồi dưỡng và quan tâm đến sự tiến bộ của cán bộ, ân cần bảo ban trong công tác. Đồng chí thường cổ vũ và khuyến khích những người chỉ huy dũng cảm, dám đánh, dám chịu trách nhiệm; đồng thời luôn đòi hỏi những cán bộ quân sự của Đảng, nhất là cán bộ ở cơ quan chiến lược, trước hết phải trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có lập trường tư tưởng vững vàng, chính kiến phải rõ ràng, trung thực, không được dựa dẫm, chỉ nói cho vừa lòng cấp trên. Đồng chí Lê Trọng Tấn thực sự là người chỉ huy được cán bộ, chiến sĩ tôn trọng, quý mến.

Do công lao và những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã được Đảng và Nhà nước ta tặng, truy tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007), 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Quân công hạng Nhất, 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 01 Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, 01 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Đồng chí còn được quân đội một số nước anh em tặng thưởng nhiều huân chương cao quý khác.

Hơn bốn mươi năm hoạt động cách mạng liên tục, dù ở cương vị nào, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Nhân dân. Đồng chí là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên trung; nhà quân sự mưu lược, sáng tạo và quyết đoán, người thực hiện xuất sắc những ý đồ chiến lược quân sự của Đảng và Bác Hồ; nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể và là người chỉ huy đức độ, hết lòng thương yêu bộ đội. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Trọng Tấn gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ một đội quân du kích trở thành một đội quân chính quy với nhiều binh chủng và quân chủng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh các hoạt hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những cống hiến của đồng chí Lê Trọng Tấn đối với Đảng, dân tộc và Quân đội ta; là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay ra sức học tập, rèn luyện và không ngừng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng tự hào, niềm tin vào Đảng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Bằng



Nguồn: https://mod.gov.vn/home/detail?current=true&urile=wcm:path:/mod/sa-mod-site/sa-ttsk/sa-tt-qpan/dai-tuong-le-trong-tan-vi-tuong-anh-hung-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-quan-doi-nhan-dan-viet-nam

Cùng chủ đề

Một số bệnh suy hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh cần lưu ý

Suy hô hấp là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn sơ sinh. Nếu không được nhận biết và can thiệp điều trị sớm, bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Dưới đây là một số bệnh suy hô...

Lộc Ninh (Bình Phước): Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Đến nay, Chi nhánh NHCSXH huyện Lộc Ninh đang triển khai 17 Chương trình với tổng dư nợ 610 tỷ đồng, 13.077 khách hàng. Trong đó, tổng dư nợ của Chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn trên địa bàn Huyện đạt trên 105 tỷ đồng với 2.250 hộ gia đình còn dư nợ, bình quân vay 47 triệu đồng/hộ. Doanh số cho vay vốn 8 tháng năm 2024 đạt 23.296 tỷ...

[Chùm ảnh] Các thí sinh chuẩn bị nghiêm túc, tập trung cao độ hoàn thành bài thi

Các thí sinh chuẩn bị nghiêm túc, tập trung cao độ hoàn thành bài thi Sau Lễ khai mạc diễn ra ngày 23/9 tại cơ sở Bà Rịa của Trường Cao đẳng Dầu khí (PV College), Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VIII năm 2024, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức, đã chính thức bước vào ngày thi thứ 2. Trong ảnh là phòng thi nghề Thiết kế...

Kết nối mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành chế biến nông sản

 Cắt băng khai mạc Chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng...

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ phát thanh, truyền hình cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào

(Bqp.vn) - Chiều 26/9, tại Hà Nội, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) tổ chức Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ phát thanh, truyền hình cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào. Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chủ trì bế mạc lớp tập huấn.Các đại biểu tham dự bế mạc lớp tập huấn.Trong thời gian...

Cùng nhau nỗ lực vì hòa bình, an ninh và tự cường của ASEAN

(Bqp.vn) - Tiếp theo thành công tốt đẹp của Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra ngày 26/9 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) với sự tham dự của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Timor-Leste, Ban Thư ký ASEAN, và 8 nước đối tác, dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Lào; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên...

Đại tướng Phan Văn Giang hội đàm với Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cu-ba

(Bqp.vn) - Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cu-ba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, ngày 26/9 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô La Habana (Cu-ba), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã hội đàm với Thượng tướng Álvaro López Miera, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng...

Bộ Quốc phòng gặp mặt người có công với cách mạng tỉnh Đồng Tháp

(Bqp.vn) - Sáng 27/9, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Gặp mặt Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Đồng Tháp. Thừa ủy quyền của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) chủ trì buổi gặp mặt. Đoàn gồm các đại biểu là thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị...

Triển khai Quyết định kiểm tra của Ban Bí thư đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông

(Bqp.vn) - Chiều 26/9, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Trưởng Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư (khóa XIII) đã triển khai Quyết định kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông và 5 tổ chức Đảng được kiểm tra về kết quả thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban...

Bài đọc nhiều

Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của Giải vô Địch Golf nghiệp dư nữ Châu Á – Thái Bình Dương (WAAP)

Ngày 24/9, tại Đà Nẵng, Tổ chức R&A (The Royal and Ancient Golf Club) và Liên đoàn Golf Châu Á – Thái Bình Dương (APGC) đã chính thức công bố Giải Vô địch golf nghiệp dư nữ châu Á – Thái Bình Dương (WAAP). Giải sẽ diễn ra tại Hoiana Shores Golf Club, Việt Nam từ ngày 6-9/3/2025. ...

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến...

(MPI) - Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương diễn ra ngày 26/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trao Quyết định phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu tầm nhìn, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư;...

Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ...

(Bqp.vn) - Trong 5 năm qua, Quân chủng Hải quân thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, khó dự báo. Tình hình trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Quân chủng Hải quân theo hướng “tinh, gọn, mạnh” đặt ra nhiều yêu cầu mới, khẩn trương hơn. Song, được...

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tham dự Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024 lần thứ 5

(MPI) - Chiều ngày 25/9/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh, thành phố với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế. Phiên đối thoại diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh...

Cùng chuyên mục

Thụy Sĩ hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước bày tỏ sự cảm ơn đối với Thụy Sĩ về những hỗ trợ cho tỉnh Yên Bái nhằm khắc phục hậu quả của bão số 3. Yên Bái là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất của bão số 3. Hơn 7 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp đã bị ảnh hưởng. Toàn bộ hệ thống thông tin...

Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ phát thanh, truyền hình cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào

(Bqp.vn) - Chiều 26/9, tại Hà Nội, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) tổ chức Bế mạc lớp tập huấn nghiệp vụ phát thanh, truyền hình cho cán bộ Quân đội nhân dân Lào. Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội chủ trì bế mạc lớp tập huấn.Các đại biểu tham dự bế mạc lớp tập huấn.Trong thời gian...

Cùng nhau nỗ lực vì hòa bình, an ninh và tự cường của ASEAN

(Bqp.vn) - Tiếp theo thành công tốt đẹp của Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) diễn ra ngày 26/9 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) với sự tham dự của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Timor-Leste, Ban Thư ký ASEAN, và 8 nước đối tác, dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Lào; Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên...

Nhiều tiềm năng trong hợp tác quốc tế về du lịch đồi núi

Ngày 26/9, tại thành phố Hưng Nghĩa, châu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đã khai mạc Hội nghị quốc tế về du lịch đồi núi và thể thao ngoài trời năm 2024, với chủ đề "Liên kết văn hóa, thể thao và du lịch; tạo dựng cuộc sống chất lượng cao". ...

Trí tuệ nhân tạo (AI) và câu chuyện nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam

Thể thao Việt Nam đang bước vào giai đoạn tập trung lực lượng để chuẩn bị cho các đấu trường lớn vào năm sau. Trong đó việc cải thiện, nâng cao thành tích đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà chuyên môn. Và một trong những giải pháp quan trọng để làm được việc này là phải ứng dụng...

Mới nhất

Giá heo hơi hôm nay 28/9/2024: Tăng, giảm 1.000

Giá heo hơi miền Bắc hôm nay ngày 28/9/2024 Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay ngày 28/9/2024 giảm nhẹ trên phạm vi hẹp và giao dịch trong khoảng 68.000 - 70.000 đồng/kg. ...

Tuổi trẻ Bắc Giang hào hứng tập huấn phân loại rác thải tại nguồn

TPO - Sáng 28/9, báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh Đoàn Bắc Giang tổ chức hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn ở huyện Lạng Giang. Hội nghị thu hút hơn 150 đoàn viên, thanh niên huyện Lạng Giang tham dự. Vi Thị Thu...

Washington nên ngừng “bôi nhọ” Bắc Kinh, chấm dứt trừng phạt bừa bãi, chớ nên lợi dụng vấn đề Ukraine

Trong cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại New York ngày 27/9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Washington nên ngừng vu khống Bắc Kinh và chấm dứt áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho bà con vùng biên

Đắk Nông - Nhiều phần quà có ý nghĩa với tổng giá trị hàng tỉ đồng đã được cơ quan chức năng trao tặng cho bà con, học sinh vùng...

Mới nhất