Năm 2024, Lực lượng Không gian Mỹ lần đầu tiên có mức ngân sách cao hơn Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (32 tỷ USD so với 26 tỷ USD). Trung Quốc cũng dành từ 17 tỷ USD – 22 tỷ USD cho không gian, trong khi Nga có mức ngân sách khiêm tốn hơn, chỉ gần 6 tỷ USD.
Những con số trên không đơn thuần mang tính thống kê. Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cáo buộc Nga phóng một loại vũ khí không gian và triển khai trên cùng quỹ đạo một vệ tinh của Chính phủ Mỹ. Nga từ chối bình luận thông tin trên, đồng thời cũng tố cáo Mỹ tìm cách bố trí vũ khí trên không gian sau khi Washington bác bỏ một nghị quyết về vấn đề này do Moscow đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (cũng trong tháng 5).
Trong khi đó, chuyên gia Alain de Neve tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh và quốc phòng, trực thuộc Bộ Quốc phòng Bỉ, trong một trả lời phỏng vấn báo chí, đã nhắc lại việc Trung Quốc hồi đầu năm 2023 phóng một vệ tinh, và từ chính vệ tinh này, một vật thể không xác định lại được phóng tiếp, tiến đến gần một vệ tinh quân sự của Mỹ.
Trước những diễn biến này, giới quan sát nhận định cuộc đua vũ trang không gian đã khởi động. Tướng Michel Friedling, chỉ huy đầu tiên của Lực lượng Không gian Pháp, cho hay, tiến trình quân sự hóa không gian trên thực tế đã được thúc đẩy từ những năm 2010. Nhà chức trách Mỹ từng khẳng định thắng lợi trên chiến trường phụ thuộc vào thành công trên không gian. Quan điểm này phần nào đã được chứng minh qua cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1990. Chuyên gia Xavier Pasco, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược của Pháp, cho biết: “Trong suốt chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, người ta nhận ra rằng việc sở hữu các vệ tinh có khả năng đếm tên lửa trong các hầm chứa hoặc thấy những thứ một cách chính xác chẳng giúp ích gì. Do vậy, Mỹ đã đầu tư rất mạnh mẽ vào thời điểm này ở khía cạnh chiến lược không gian theo một chiều hướng mang tính tác chiến hơn, có liên quan nhiều hơn đến chiến trường”. Còn ông Paul Wohrer, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp, nhận định không gian đã ngấm ngầm dịch chuyển đến gần chiến trường. “Nếu sử dụng vệ tinh để điều hướng bom, thì việc xem các vệ tinh là mục tiêu tấn công cũng chẳng có gì bất hợp lý”, ông Wohrer nói.
Cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay cũng đã cho thấy rõ tính chất hỗn hợp của một cuộc chiến đương đại với vai trò của drone và các chiến dịch tấn công mạng. Cuộc chiến này cũng làm nổi rõ vai trò của các vệ tinh thương mại trong các cuộc xung đột, mà điển hình là vai trò của mạng internet Starlink của tỷ phú Elon Musk đối với các chiến dịch quân sự của Ukraine. Trong cuộc đua không gian này, học thuyết nổi trội là chứng tỏ năng lực đáp trả khi bị tấn công. Điều này dẫn đến một cuộc đua vũ trang không gian. Nhiều ý tưởng thời chiến tranh lạnh có thể thành hiện thực nhờ vào những tiến bộ kỹ thuật – công nghệ như tia laser theo kiểu phim Star Wars.
Không chỉ trên chiến trường, không gian ngày càng mang tính chiến lược cho kinh tế. Nhiều lĩnh vực như tài chính, nông nghiệp, giao thông hàng không hay hàng hải cũng phụ thuộc vào hệ thống viễn thông vệ tinh. Do vậy, ông Franck Lefèvre, Giám đốc kỹ thuật thuộc Trung tâm Nghiên cứu hàng không, cảnh báo có thể gây bất ổn nền kinh tế của một nước bằng cách tấn công các cơ sở hạ tầng không gian của nước này.
MINH CHÂU
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cuoc-dua-vu-trang-khong-gian-bat-dau-post761108.html