Tiền Việt mất giá khoảng 4,4%
Sáng 23/7, phát biểu tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng không đồng đều tại các quốc gia, khu vực do tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng.
Kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực, lạm phát ổn định nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm của năm 2023, ngay từ đầu năm, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website, qua đó, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.
Về điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Ông Đào Minh Tú thông tin, tiền Việt Nam mất giá khoảng 4,4%, đây là mức hợp lý và thấp hơn so với nhiều nước. Đồng thời, không thể cố định tỉ giá trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều tác động như hiện nay.
Ngoài ra, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm rơi vào khoảng 178 tỷ USD đòi hỏi nguồn ngoại tệ lớn nên cần đảm bảo tỉ giá hợp lý.
4 ngân hàng TMCP muốn tham gia vào gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Thời gian qua, để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Với các giải pháp đồng bộ của ngành Ngân hàng, đến ngày 28/6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.
“Trong 2 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng âm do cầu nền kinh tế thấp, cầu tín dụng thấp và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế. Tuy nhiên, từ tháng 3 trở đi và đặc biệt đến tháng 5,6, tăng trưởng tín dụng đã tích cực hơn”, ông Tú thông tin.
Bên cạnh đó, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Đối với tín dụng trong lĩnh vực lâm thủy sản, ông Đào Minh Tú cho biết, thời gian trước, các ngân hàng đã tiến hành giải ngân 15.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng thêm 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng cho gói tín dụng này.
Nếu gói 30.000 tỷ được giải ngân hết sẽ tiếp tục có 15.000 tỷ đồng hoặc số lượng vốn cần thiết đáp ứng nhu cầu cho lĩnh vực này. “Tôi cho rằng đây là 1 trong những giải pháp tích cực giúp lĩnh vực này tạo điều kiện sản xuất chế biến cho bà con nông dân, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vấn đề xuất khẩu là những lĩnh vực thế mạnh của kinh tế Việt Nam”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội hiện nay có phần ì ạch hơn do nhiều yếu tố nhu cầu tiêu dùng, cầu tín dụng, yếu tố pháp lý, nhà đầu tư được phép xây dựng nhưng chưa có nhu cầu vốn.
NHNN đã đề xuất chính phủ trong thời gian tới, tăng cường thêm tính ưu đãi, tăng lãi suất ưu đãi, hạ lãi suất vay 3% cho người mua nhà trong thời hạn 5 năm. Sau khi kết thúc 5 năm sẽ tiếp tục kéo dài thời gian cho vay thêm 5 năm và lãi suất tiếp tục giảm 1-2%.
Ông Tú cũng cập nhật thêm, ngoài 4 NHTMNN đã đăng ký 30.000 tỷ đồng, hiện đã có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần với mức đăng ký thêm 20.000 tỷ đồng. Nâng quy mô gói tín dụng cho NOXH lên đến 140.000 tỷ đồng.
Về tình hình nợ xấu, ông Tú cho rằng, đây là vấn đề lớn cần quan tâm, là hệ quả của cả 1 quá trình. “Dù đôi lúc tổ chức tín dụng cũng còn những thiếu sót trong quá trình thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp khi cho vay. Tuy nhiên không thể phủ nhận câu chuyện nợ xấu là câu chuyện của nền kinh tế chứ không phải do sự yếu kém của ngân hàng”, Phó thống đốc NHNN nhận định.
Theo ông Tú, nợ xấu hiện nay đang có xu hướng tăng và con số khá cao. Cụ thể, nợ xấu nội bảng đang ở mức gần 5%.
Nếu tính tổng cả nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ có khả năng trở thành nợ xấu, nợ bán cho VAMC… trong vòng 1 năm trở lại đây rơi vào khoảng 6,9%.
Thời gian tới, để kiểm soát tốt hơn nợ xấu, Phó Thống đốc cho rằng bản thân NHTM cần chủ động hơn trong việc thu nợ. Đồng thời, phía người vay cũng cần có trách nhiệm tìm cách trả nợ, bởi đó là tiền của người dân.
Về đề án tái cơ cấu ngân hàng, đại diện NHNN cập nhật, đề án đã đi được nửa chặng đường, các ngân hàng về cơ bản được phê duyệt đề án và đang tập trung bắt tay vào thực hiện. Ngay cả SCB cũng đang được được kiểm soát một cách tích cực. Đối với 3 ngân hàng 0 đồng, về cơ bản đã hoàn thiện định giá, đang xây dựng đề án và chuẩn bị chuyển giao.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tin-dung-nen-kinh-te-tang-truong-6-so-voi-cuoi-nam-2023-204240723121618544.htm