Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học được đề cập đến tại Kết luận số 91- KL/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành Giáo dục. Đâu là yếu tố “cần” và “đủ” để thực hiện mục tiêu này?
Lộ trình rõ ràng
“Điều kiện cần là những yếu tố cơ bản mà nếu không có chúng thì việc triển khai không thể được”. Với quan điểm này, PGS.TS Trần Kiêm Minh – Trưởng khoa Toán học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đưa ra điều kiện cần cho việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Trong đó, quan trọng đầu tiên là chính sách và hỗ trợ của Nhà nước.
Nhà nước cần thể chế hóa bằng các chính sách pháp lý hướng đến mục tiêu trên, đi kèm hỗ trợ về nguồn lực. Cùng đó là bảo đảm số lượng giáo viên tiếng Anh và giáo viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đủ tiêu chuẩn. Có chương trình, sách giáo khoa, tài liệu học tập phù hợp. Trước mắt, đối với các môn Toán và Khoa học tự nhiên, cần tài liệu học tập song ngữ và thúc đẩy giảng dạy những môn học này bằng tiếng Anh ở nhà trường.
Điều kiện đủ đề cập đến những yếu tố đảm bảo việc triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở trường học một cách hiệu quả và bền vững. Những yếu tố này, theo PGS.TS Trần Kiêm Minh có thể là môi trường học tập, chính sách khuyến khích và tạo động lực, thúc đẩy văn hóa hội nhập quốc tế, cam kết và tầm nhìn dài hạn của Chính phủ.
Cụ thể, môi trường học tập hỗ trợ và văn hóa nhà trường khuyến khích sử dụng tiếng Anh trong các thông báo, hoạt động giáo dục hằng ngày là một điều kiện thúc đẩy việc triển khai hiệu quả, bền vững. Cần có sự khuyến khích, ưu tiên cơ hội nghề nghiệp với giáo viên, học sinh và những chủ thể khác trong quá trình nỗ lực đạt mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Thúc đẩy thái độ tích cực đối với tiếng Anh bằng cách giải quyết rào cản xã hội, khuyến khích chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa với các nước nói tiếng Anh; thúc đẩy tinh thần hội nhập và văn hóa công dân toàn cầu trong thế hệ trẻ. Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách dài hạn, rõ ràng, lộ trình, có những điểm mốc chiến lược để triển khai mục tiêu.
PGS.TS Trần Kiêm Minh cho biết: Kể từ năm 2012, Khoa Toán học – Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) đã thực hiện chương trình đào tạo cử nhân sư phạm toán giảng dạy bằng tiếng Anh. Khoa là đơn vị tiên phong trong cả nước đào tạo giáo viên dạy toán phổ thông bằng tiếng Anh.
Sinh viên theo học chương trình này được học các học phần toán bằng tiếng Anh, bởi giảng viên có chuyên môn cao và trình độ giao tiếp tiếng Anh tốt. Qua 12 năm triển khai, đến nay nhiều sinh viên tốt nghiệp đã và đang dạy toán bằng tiếng Anh bậc phổ thông cho các trường chất lượng cao, trường quốc tế, trường song ngữ trên cả nước.
“Rõ ràng, với yêu cầu đưa tiếng Anh dần trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học tại Kết luận 91 của Bộ chính trị, chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Toán giảng dạy bằng tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) là yếu tố quan trọng trong các điều kiện “cần” để đạt được mục tiêu lớn này.
Chương trình cung cấp nguồn nhân lực để thực hiện được mục tiêu dạy học môn Toán bằng tiếng Anh ở phổ thông, một mục tiêu cấp thiết và tiên phong trong lộ trình triển khai đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”, PGS.TS Trần Kiêm Minh nhận định.
Tạo động lực và thúc đẩy xã hội hóa
Với nhiệm vụ dần đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An bày tỏ mong muốn, Bộ GD&ĐT ban hành các cơ chế, chính sách để tạo động lực cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Đối với học sinh, cần có chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp hoặc tuyển sinh đại học.
Chẳng hạn, có thể tuyển thẳng học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp, đặc biệt đối với phổ thông, hoặc có cơ chế chung và giao địa phương quyết định. Đối với giáo viên, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tham mưu cơ chế chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực, sự tự tin cho giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ mang tính chiến lược này.
GS.TS Thái Văn Thành cũng đề cập đến việc mở rộng đào tạo sinh viên sư phạm để dạy tích hợp tiếng Anh với các môn học khác và bên cạnh đó là hướng dẫn xây dựng khung chương trình tích hợp, biên soạn tài liệu để tổ chức dạy học. Cùng đó, Bộ GD&ĐT cần ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi cho việc xã hội hóa trong dạy học tiếng Anh.
Đặc biệt tạo hành lang pháp lý và có hướng dẫn cụ thể đối với việc triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh trong các trường phổ thông. “Đây là giải pháp tình thế có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong thời điểm việc dạy học chính khóa ở các trường phổ thông còn gặp những khó khăn, hạn chế”, GS.TS Thái Văn Thành nhận định.
Là giáo viên giảng dạy ở trường vùng khó, cô Đinh Thái Hà – Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) đã có những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong năm học 2024 – 2025.
Theo đó, quan trọng nhất là phát triển chuyên môn bằng cách chủ động tham gia các khóa tập huấn, hội thảo và đào tạo từ xa để cập nhật phương pháp giảng dạy mới, nâng cao kỹ năng cá nhân và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp cùng đồng nghiệp để cải thiện phương pháp dạy học. Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng cô Đinh Thái Hà cho biết sẽ tận dụng các công cụ cá nhân có sẵn như máy tính, máy chiếu để tạo bài giảng sinh động, hấp dẫn.
“Tôi luôn tìm kiếm, sử dụng các tài liệu học tập, giảng dạy, sẵn sàng học hỏi từ đồng nghiệp để giảng dạy tiếng Anh phù hợp với học sinh và điều kiện địa phương, nhà trường; gợi ý cho học sinh ứng dụng miễn phí học tiếng Anh, giúp các em có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn.
Tôi theo dõi sự tiến bộ của học sinh thông qua bài kiểm tra định kỳ và phản hồi thường xuyên để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, bảo đảm mỗi học sinh đều có cơ hội cải thiện, phát triển kỹ năng tiếng Anh”, cô Đinh Thái Hà chia sẻ.
Nguồn: https://danviet.vn/dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-yeu-to-can-va-du-20240927154608854.htm