Thương hiệu du lịch quốc gia cần được xây dựng một cách chuyên nghiệp và toàn diện hơn, tạo ra một hình ảnh Việt Nam hấp dẫn, an toàn và đẳng cấp trên thị trường quốc tế.
Nhân Ngày du lịch thế giới, TS. Trịnh Lê Anh cho rằng, Việt Nam cần có nhiều chiến lược để phát triển du lịch bền vững. (Ảnh: NVCC) |
Nhân Ngày du lịch thế giới (27/9), Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Trịnh Lê Anh (Trường ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) về thách thức của ngành Du lịch Việt Nam và xu hướng phát triển hiện nay.
Nhiều thách thức đối với du lịch Việt
Theo anh, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu gì nổi bật trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19?
Trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể.
Trước hết, có thể kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế và nội địa. Các điểm đến nổi tiếng như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc… đã nhanh chóng khôi phục lại vị thế của mình trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch đã phối hợp chặt chẽ, ứng dụng công nghệ để đổi mới cách thức quảng bá, kết nối khách hàng.
Điều này đã giúp Việt Nam không chỉ thu hút khách du lịch mà còn tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới lạ và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, du lịch nội địa cũng có sự bứt phá, với sự tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên đặc sắc.
Việt Nam đang xây dựng hình ảnh của một điểm đến an toàn, thân thiện và đa dạng với sự góp phần không nhỏ của các mô hình du lịch bền vững. Sau đại dịch, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng mạnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong năm 2023, Việt Nam đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, một con số ấn tượng so với mục tiêu ban đầu là 8 triệu. Về du lịch nội địa, năm 2022, Việt Nam ghi nhận 101 triệu lượt khách nội địa, vượt mức kỷ lục trước đại dịch và là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch nội địa.
Đây là kết quả của sự thay đổi linh hoạt trong các chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ, kết hợp với các chiến dịch quảng bá du lịch hấp dẫn và ứng dụng công nghệ số. Sự phát triển của du lịch bền vững cũng rất đáng ghi nhận.
Các chương trình như “Du lịch xanh” ở Phú Quốc, Hạ Long, hay các mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương như Sapa, Ninh Bình đã góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm hơn với môi trường.
Những thách thức nào đang đặt ra cho ngành Du lịch nước ta trong bối cảnh hiện nay, theo anh?
Ngành Du lịch Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh Du lịch toàn cầu 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam chỉ đứng 63/140 quốc gia.
Mặc dù có sự cải thiện so với các năm trước, nhưng điều này cho thấy còn nhiều việc phải làm để nâng cao vị thế của ngành du lịch nước ta. Sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới yêu cầu chúng ta phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng du lịch và tạo ra những trải nghiệm độc đáo hơn.
Hơn nữa, việc bảo vệ môi trường và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch vẫn còn là bài toán lớn, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội.
Một thách thức khác là nguồn nhân lực. Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, có tới 60% nhân lực du lịch rời bỏ ngành trong thời kỳ đại dịch, gây ra sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao nghiêm trọng khi du lịch hồi phục. Điều này đòi hỏi các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng phải được triển khai mạnh mẽ hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành. Để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, chúng ta cần chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ làm du lịch, từ quản lý đến nhân viên phục vụ trực tiếp.
Cuối cùng, vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên du lịch cũng rất đáng lo ngại. Ví dụ, các điểm đến nổi tiếng như Vịnh Hạ Long hay Hội An đang phải đối mặt với tình trạng quá tải khách du lịch, gây áp lực lớn lên hạ tầng và hệ sinh thái. Đây là bài toán khó không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối diện.
Xu hướng phát triển du lịch bền vững và trải nghiệm
Du lịch bền vững đang là xu hướng toàn cầu. Anh đánh giá thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển du lịch bền vững?
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển du lịch bền vững, từ việc áp dụng các chính sách quy hoạch thân thiện với môi trường đến các chiến dịch bảo tồn di sản văn hóa và tự nhiên. Một ví dụ điển hình là mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sa Pa, Mù Cang Chải, nơi cộng đồng địa phương được đào tạo để quản lý du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.
Các khu du lịch sinh thái như Vườn quốc gia Cát Tiên hay Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đã đóng góp tích cực vào phát triển bền vững thông qua bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp trải nghiệm du lịch thiên nhiên.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững hơn trong tương lai, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng xanh, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, xây dựng chiến lược giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cả du khách và người dân. Đồng thời, cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng mô hình quản lý bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo.
Các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững như ISO 14001 cũng cần được áp dụng phổ biến hơn. ISO 14001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường, giúp các tổ chức và doanh nghiệp quản lý tác động môi trường hiệu quả hơn. Trong du lịch, tiêu chuẩn này hỗ trợ giảm thiểu sử dụng tài nguyên, quản lý chất thải, và bảo vệ hệ sinh thái, từ đó giúp phát triển du lịch bền vững.
Việc áp dụng ISO 14001 cũng nâng cao uy tín của các doanh nghiệp du lịch, thu hút du khách có ý thức về môi trường, và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Điều này tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội lâu dài, đồng thời cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm tại Việt Nam thế nào dưới góc nhìn của anh? Những loại hình du lịch trải nghiệm nào có thể được phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới?
Du lịch trải nghiệm là một xu hướng nổi bật hiện nay khi du khách ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân, độc đáo và sâu sắc hơn. Việt Nam – với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch này. Ví dụ, du lịch trải nghiệm nông thôn đang thu hút sự quan tâm của cả du khách quốc tế lẫn nội địa.
Những trải nghiệm như trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, ngư dân đánh bắt cá tại Hội An, hay làm thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội và Huế đều mang đến cơ hội cho du khách hiểu sâu hơn về đời sống văn hóa và lao động của người dân Việt Nam.
Trong tương lai, các loại hình du lịch gắn liền với khám phá tự nhiên như leo núi, lặn biển, du lịch mạo hiểm ở các khu vực như Vịnh Hạ Long, Côn Đảo và Phú Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, du lịch văn hóa – tâm linh kết hợp với trải nghiệm lễ hội truyền thống cũng có tiềm năng rất lớn, như các lễ hội có diễn xướng Hầu Đồng hay các chương trình diễn xướng văn hóa dân gian khác.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển du lịch bền vững, từ việc áp dụng các chính sách quy hoạch thân thiện với môi trường. (Nguồn: Báo tin tức) |
Áp dụng công nghệ số
Công nghệ số đang thay đổi sâu sắc ngành du lịch. Anh đánh giá như thế nào về việc ứng dụng công nghệ trong du lịch tại Việt Nam và những công nghệ nào có thể mang lại hiệu quả cao cho ngành du lịch nước ta?
Công nghệ số đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc thay đổi cách thức hoạt động của ngành du lịch, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, chúng ta đã bắt đầu ứng dụng các nền tảng đặt phòng trực tuyến, hệ thống quản lý thông tin du khách và các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để khai thác hết tiềm năng của công nghệ trong du lịch. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp phân tích hành vi du khách, tối ưu hóa chiến lược quảng bá và tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa hơn. Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cũng là những công nghệ hứa hẹn mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách, đặc biệt trong việc giới thiệu các di sản văn hóa và lịch sử.
Ví dụ, tại di tích Cố đô Huế, du khách có thể đeo kính VR để trải nghiệm lại cuộc sống hoàng gia xưa kia, chứng kiến các nghi lễ cung đình, hay tham quan những công trình đã bị phá hủy qua thời gian. Công nghệ AR cũng được áp dụng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, nơi du khách dùng điện thoại hoặc thiết bị thông minh để xem các bức tranh và hiện vật kèm theo thông tin mở rộng, hình ảnh 3D và video giới thiệu về quá trình sáng tác, mang đến cái nhìn sâu sắc và sinh động hơn.
Ngoài ra, blockchain có thể được áp dụng trong quản lý vé điện tử, đặt phòng khách sạn và quản lý chuỗi cung ứng du lịch, giúp tăng cường tính minh bạch và bảo mật.
Theo anh, Việt Nam cần làm gì để tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt?
Để tăng cường hợp tác quốc tế trong du lịch, Việt Nam cần tham gia mạnh mẽ hơn vào các tổ chức và hiệp hội du lịch quốc tế như Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nay là Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch trong nước và đối tác quốc tế.
Điều này có thể thực hiện thông qua các hội chợ du lịch quốc tế, như ITB Berlin hay WTM London, nơi chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác. Chính phủ cũng cần tạo ra các chính sách visa linh hoạt hơn để thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Việc ký kết các hiệp định hợp tác du lịch song phương và đa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Nhìn vào những thành công của các quốc gia có ngành du lịch phát triển, anh rút ra những bài học gì cho Việt Nam?
Một trong những bài học quan trọng từ các quốc gia phát triển du lịch như Thái Lan, Nhật Bản hay Pháp là họ đã đầu tư rất nhiều vào hạ tầng du lịch và dịch vụ, đồng thời duy trì chất lượng cao và sự đổi mới liên tục. Chúng ta cần học hỏi cách họ xây dựng các chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường và văn hóa, đồng thời tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt.
Điều quan trọng nhất để đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới là việc quản lý hiệu quả và phát triển đồng bộ giữa chính sách, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ và sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch để cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực. Hơn nữa, thương hiệu du lịch quốc gia cần được xây dựng một cách chuyên nghiệp và toàn diện hơn, tạo ra một hình ảnh Việt Nam hấp dẫn, an toàn và đẳng cấp trên thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn TS!
Nguồn: https://baoquocte.vn/ts-trinh-le-anh-du-lich-viet-can-huong-den-hinh-anh-hap-dan-va-dang-cap-tren-thi-truong-quoc-te-287695.html