An ninh, an toàn “xanh” cho hàng không bền vững là một trong những thách thức lớn nhất hiện tại và tương lai của ngành hàng không dân dụng. Việc đầu tư vào các công nghệ, nền tảng số dùng chung hiện đại là việc làm cần thiết. Nhưng để phát triển bền vững, Hàng không Việt Nam cần đầu tư cả vào việc nâng cao nhận thức, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai.
Với tinh thần ấy, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện loạt chương trình giao lưu, phổ biến kiến thức cho các em học sinh ở nhiều nơi trong cả nước, bắt đầu từ Cam Ranh…
Sân trường trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, thành phố Cam Ranh một buổi sáng tháng 9/2024 như lắng đọng khi được nghe câu chuyện cảm động về Bác Hồ: “Ngày 30/8/1969, chỉ hai ngày trước khi Bác Hồ kính yêu qua đời, Bác mệt nặng, các bác sỹ cũng như Bộ Chính trị luôn túc trực bên giường bệnh. Khi vừa tỉnh lại, Bác đã hỏi ngay Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tình hình lũ lụt ở sông Hồng. Thủ tướng không dám giấu Bác và nói với Bác: Thưa Bác, mưa rất to, nước lũ vẫn tiếp tục lên và chưa rút. Chính phủ muốn đưa Bác tới nơi an toàn để tiếp tục nghỉ ngơi và chữa bệnh. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị như vậy, Bác Hồ đã trả lời như thế nào. “Bác không đi đâu cả, Bác ở lại Hà Nội với nhân dân.”
Phần hỏi đáp sâu sắc và thú vị đã khiến cho hơn 1600 em học sinh nhà trường quên đi đây là một chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp lan tỏa mạnh mẽ những giá trị nhân văn. Và với các nhà tổ chức, hàng rào bảo vệ an ninh tốt nhất cho sân bay Cam Ranh chính là hàng rào của lòng dân chứ không phải tiền bạc hay những giá trị vật chất. Câu trả lời hồn nhiên nhưng rất chính xác của các em học sinh đã làm cho rất nhiều người lớn trong sân trường phải suy ngẫm.
Đại diện của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2019, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) đã cấp cho Cục Hàng không Việt Nam năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1). Điều đó có nghĩa là Cục Hàng không Việt Nam đã đạt được năng lực giám sát an toàn mức 1 theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ.
Mọi chuyến bay của bất kỳ hãng hàng không nào của Việt Nam, từ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tới Vietjet đều được giám sát an toàn tuyệt đối theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Vị đại diện này tiết lộ thêm, hiện nay ở Đông Nam Á chỉ có Singapore và Việt Nam là đạt được CAT1 này. Và vừa an toàn, vừa phát triển bền vững là mục tiêu lớn nhất mà Hàng không Việt Nam luôn hướng tới.
Cùng với công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu; Ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã triển khai các nền tảng kỹ thuật số dùng chung như ACDM, PBN, ADSB… nhằm mục đích góp phần bảo đảm an toàn, an ninh ở mức cao hơn ở mức cao hơn, góp phần giảm chi phí cho các hãng hàng không, nâng cao năng lực quản lý, khai thác, điều hành bay an toàn, nhưng đồng thời những công nghệ trên cũng giúp tàu bay khai thác an toàn, điều hòa, hiệu quả hơn, từ đó giảm phát thải CO2 ra môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng tại sân bay, góp phần xây dựng hình ảnh Cảng Hàng không sân bay an toàn, văn minh, lịch sự, hiện đại, xanh và bền vững.
Tuy nhiên, khi thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Viettravel Airlines, Pacific Airlines) sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện CORSIA bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện và bắt buộc. CORSIA (hay Kế hoạch giảm và bù đắp carbon trong các chuyến bay quốc tế) là một kế hoạch dài hơi do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO ban hành trong đó giai đoạn tự nguyện là từ năm 2024 tới năm 2026, giai đoạn bắt buộc từ 2027 tới 2035 với mục tiêu là đạt phát thải ròng bằng không trong các chuyến bay chở khách quốc tế (chiếm hơn 60% tổng lượng phát thải của ngành hàng không toàn cầu).
Việc tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam gặp nhiều khó khăn về tài chính. Theo một dự báo được đưa ra, nếu tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia thì kinh phí phải chi trả cho mua tín chỉ và bù đắp Carbon sẽ lên tới 162 triệu đô la trong giai đoạn 2024-2026 cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, Hàng không Việt Nam cũng đang hết sức tích cực để hoàn thiện và tham gia theo đúng các cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dự kiến, Hàng không Việt Nam sẽ báo cáo để Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ để tham gia Corsia giai đoạn tự nguyện từ 1/1/2026.
Ngay cả ông Nguyễn Minh Khôi, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh cũng bất ngờ về sự hiểu biết của các em học sinh trong một lĩnh vực tưởng như hoàn toàn mới mẻ với các em. Để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng không dân dụng, các doanh nghiệp hàng không sẽ phải hy sinh lợi nhuận để dành chi phí bù đắp cho những ảnh hưởng tới môi trường trong hoạt động của mình. Còn với một em học sinh, khi trả lời câu hỏi, em đã nói: “Vì tương lai của các thế hệ tiếp theo, nếu sau này em trở thành cha, mẹ, em cũng sẵn sàng hy sinh để dành những điều tốt nhất cho các thế hệ tương lai” giống như Bác Hồ, như ông bà, cha mẹ em hay các thầy cô giáo ở trường…
Khi Ngành hàng không Việt Nam đầu tư và triển khai các hệ thống kiểm soát an ninh hàng không hiện đại như soi chiếu tự động, sinh trắc học, làm thủ tục tự động… để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn và tăng thêm sự hài lòng cho hành khách thì các thách thức mới sẽ đặt ra là gì?
Ngay cả các chuyên gia hàng không cũng ngạc nhiên với câu trả lời của một em học sinh lớp 10, đó là hệ thống sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, sẽ phát thải nhiều khí nhà kính hơn vào bầu khí quyển và gặp nhiều nguy cơ về an ninh mạng hơn do đã đồng bộ nhiều trang thiết bị và máy móc.
Nếu chúng ta đầu tư hệ thống trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn hiện đại để bảo đảm an ninh, an toàn tốt nhất cho con người là đã hy sinh một phần lợi nhuận, lợi ích của doanh nghiệp hàng không; nhưng nếu những hệ thống trang thiết bị đó có những ảnh hưởng, tác động tới môi trường sống của con người thì chúng ta lại cần tiếp tục hy sinh một phần lợi nhuận nữa để bù đắp lại phần tác động tới môi trường đó. Ví dụ có thể đầu tư cho các dự án trồng rừng để bù đắp cho lượng CO2 đã thải ra… Như vậy phát triển bền vững là những sự lựa chọn khó khăn vì tương lai tốt đẹp và rõ ràng chúng ta phải thay đổi tư duy để sẵn sàng cho điều đó. Đó là khẳng định của đại diện Cục Hàng không Việt Nam tại chương trình.
Giá trị cốt lõi của ngành hàng không dân dụng Việt Nam vẫn luôn gìn giữ và phát huy, đó là bảo đảm, gìn giữ an ninh, an toàn tuyệt đối, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, để gìn giữ và trao lại những điều tốt đẹp nhất cho các thế hệ tương lai. Và đó cũng chính là những tư tưởng vượt thời đại của danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.”
Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 1762/QĐ-CHK ngày 23/8/2023 về việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về “Chuyển đổi số gắn với sự phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2024-2030” nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động toàn Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam và nhân dân, cộng đồng xã hội nhằm chung tay bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam góp phần vào mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045 và đạt Net zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 theo cam kết của lãnh đạo Đảng và nhà nước với cộng đồng quốc tế. Chương trình tuyên truyền tại Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh là chương trình được tổ chức lần đầu tiên theo kế hoạch này.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nganh-hang-khong-lan-toa-gia-tri-tot-dep-qua-chuong-trinh-giao-luu-voi-hoc-sinh-post979522.vnp