Ngày 12.9, UBND Q.Bình Thạnh đã ban hành quyết định số 5279/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế, phá dỡ phần công trình xây dựng không phép trong nhà của cụ Vương Hồng Sển, tại địa chỉ nhà đất số 11 (số cũ là 9/1) đường Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Tại buổi họp báo chiều 26.9, phóng viên đặt vấn đề về việc cơ quan chức năng không kiểm tra, tu bổ công trình di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển, dẫn đến di tích bị xuống cấp, gia đình của cụ Vương Hồng Sển phải tự gọi thợ để khắc phục.
Liên quan nội dung này, ông Võ Hồ Hoàng Vũ – Chánh văn phòng Sở VH-TT TP.HCM cho biết di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển được xếp hạng theo Quyết định số 140/2003/QĐ-UB ngày 5.8.2003 và hiện di tích này đã xuống cấp. Sở cũng khẳng định việc các cá nhân, hộ gia đình đang cư trú trong di tích tu sửa nhỏ để chống dột, xuống cấp (không thay đổi kiến trúc, kết cấu, vật liệu, màu sắc công trình di tích) là cần thiết.
Theo Sở VH-TT TP.HCM, từ khi di tích được xếp hạng đến nay, đơn vị chưa nhận được đề xuất tu bổ, phục hồi công trình di tích nào của các cá nhân, hộ gia đình đang cư trú trong đó.
Hình ảnh về ngôi nhà cụ Vương Hồng Sển (được chụp năm 2013)
“Từ năm 1996 đến nay, Sở VH-TT TP.HCM và các đơn vị liên quan nhiều lần xuống khảo sát tại di tích. Vào các năm 2021, 2022, 2023, Sở VH-TT TP.HCM cùng Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đều xuống khảo sát thực tế tại di tích, làm việc với những người đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển để tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM. Kể từ khi xác lập quyền sở hữu nhà nước và được xếp hạng di tích cho đến nay, Sở chưa được nhận bàn giao đối với nhà di tích số 11 (số cũ 9/1), đường Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Các con của cụ Vương Hồng Sển thường xuyên khiếu kiện, khiếu nại nên không thể triển khai công tác tu bổ, phục hồi và trưng bày tại di tích theo quy định hiện hành”, ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho hay.
Với giá trị kiến trúc tiêu biểu của nhà cổ truyền thống Nam bộ: cột, kèo, rui, hoành bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương (ngang khoảng 15 m, sâu khoảng 20 m), Sở VH-TT TP.HCM nhận thấy việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích này là cần thiết.
“Do đó, cần giữ lại theo hiện trạng di tích, với 2 khu vực bảo vệ (có tổng diện tích 723,9 m2) để tu bổ, tôn tạo công trình nhằm trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tài liệu, sách quý để phục vụ nhân dân và du khách tham quan, học tập, nghiên cứu theo đúng ý nguyện sinh thời của nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển”, phía Sở VH-TT TP.HCM cho hay.
Sở VH-TT TP.HCM cũng thông tin thêm, từ năm 1996, các cá nhân liên quan đến di tích – nhà của ông Vương Hồng Sển đã liên tục gửi đơn kiến nghị về việc thừa kế tài sản ông Vương Hồng Sển để được xem xét giải quyết. Năm 2005, bà Vương Hồng Liên Hương (là cháu nội của ông Vương Hồng Sển, hiện cư ngụ trong di tích) đã khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế này đối với UBND TP.HCM.
Năm 2018, bà Vương Hồng Liên Hương tiếp tục có đơn khởi kiện ra TAND TP.HCM (trong vụ án thụ lý số: 588/DSST ngày 31.7.2018 về “tranh chấp quyền sở hữu tài sản”, với nguyên đơn là bà Vương Hồng Liên Hương), yêu cầu trả lại căn nhà cho người thừa kế của cụ Vương Hồng Sển và vợ là Nguyễn Kim Chung.
“Hiện nay, TAND TP.HCM đang thụ lý vụ án và xét xử theo quy định. Sở đã cử nhân sự tham gia vụ kiện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị khởi kiện. Bản án của TAND đối với vụ kiện nêu trên là kết quả cuối cùng để các bên thực hiện. Trong trường hợp di tích được giữ lại, Sở VH-TT TP.HCM sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá, đề xuất chủ trương đầu tư, tính toán, xây dựng phương án đầu tư tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển theo quy định hiện hành”, Chánh văn phòng Sở VH-TT TP.HCM nói thêm.
Ông Vương Hồng Sển (1902-1996) là một nhà văn hóa, học giả nổi bật trong lịch sử văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu cổ vật. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Khi qua đời, ông đã để lại di chúc với mong muốn “căn nhà cuộc thế mang số 9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh sẽ trở nên một viện bảo tàng tư gia lấy tên Nhà Vương Hồng Sển” và ông cũng đồng ý giao toàn bộ cổ vật và sách cho UBND TP.HCM tiếp nhận, quản lý.
UBND TP.HCM đã có quyết định số 3874 ngày 17.9.2003 về thu hồi căn nhà số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh để thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển; ngày 5.8.2003, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà này là di tích cấp thành phố và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.
Nguồn: https://thanhnien.vn/so-vh-tt-tphcm-noi-gi-khi-di-tich-nha-co-vuong-hong-sen-chua-duoc-tu-bo-185240926174029174.htm