Thành công bất ngờ từ việc Việt hoá tác phẩm kinh điển
Đối với những độc giả thế hệ 8X, 9X, mỗi khi nhắc đến những cái tên như Nôbita, Xuka, Chaien, Xêkô… chắc hẳn họ có rất nhiều kỷ niệm về một thời từng say mê với bộ truyện tranh “Đôrêmon”. Nhà nghiên cứu truyện tranh độc lập ChuKim cho rằng, đã hơn ba thập niên trôi qua kể từ năm 1992, khi NXB Kim Đồng đưa bộ truyện tranh lừng danh “Đôrêmon” về Việt Nam, chú mèo máy thông minh đã trở thành người bạn thân thiết của nhiều thế hệ trẻ em và phụ huynh. Đối với cá nhân anh, việc được cha tặng hai cuốn “Đôrêmon” thực sự là một “cú sốc đầu đời”.
“Phát súng hiệu Đôrêmon năm 1992 không khác nào một quả bom nổ tung giữa lúc trời quang mây tạnh. Dấu ấn “Đôrêmon” trong lòng bạn đọc là không gì thay thế được, có thể coi đây là một tượng đài văn hoá”, anh ChuKim đánh giá.
Tuy nhiên, ít ai biết bộ truyện Đôrêmon/Doraemon ở Việt Nam có tới 3 ấn bản và đã có thời gian bộ truyện này được phát hành mà không có bản quyền. Nhà văn Lê Phương Liên, người biên tập bộ “Đôrêmon” phiên bản đời đầu kể lại, những năm sau khi xoá bỏ cơ chế bao cấp, NXB Kim Đồng rất khó khăn, sách làm ra không bán được chất đầy trong kho. Các biên tập viên, thậm chí cả giám đốc cũng phải ra vỉa hè bán sách. May mắn, trong đợt tập huấn vào mùa thu năm 1991, ông Nguyễn Thắng Vu (Giám đốc NXB Kim Đồng khi đó) được đồng nghiệp người Thái Lan cho biết, truyện “Đôrêmon” đang được trẻ em ở nước này rất yêu thích.
Nghiên cứu ấn bản tiếng Thái và nguyên bản tiếng Nhật, ông Vu quyết định làm cuốn sách này, mặc dù có đến 90% nhân sự của đơn vị cho rằng sách không bán được. Sau 6 tháng liền tranh cãi, bà Liên được khuyến khích nhận biên tập cuốn “Đôrêmon”.
Học cách làm của người Thái, NXB Kim Đồng không dịch theo nguyên tác mà có sự biên soạn lại. Hoạ sĩ Bùi Đức Lâm được chọn là người biên tập nội dung và hình ảnh của bộ sách. Việc sản xuất cũng được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Ngày 11/12/1992, tập 1 có tên “Chiếc khăn biến hóa” được đưa ra thị trường, đánh dấu sự kiện “Đôrêmon” đến Việt Nam. Không ai có thể ngờ, một cơn sốt tranh truyện đã bùng lên trong bạn đọc nhỏ tuổi ngay sau khi “Đôrêmon” phát hành. Các nhà sách khắp nơi đều cháy hàng trước đôi mắt thèm thuồng chờ đợi của những độc giả nhỏ tuổi.
“4 tập đầu tiên rất thành công, anh Vu bay ra Bắc, giọng khản đặc thông báo 40 nghìn bản sách đã bán hết. Câu chuyện như một tiếng sấm báo hiệu những điều rất lớn sẽ xảy ra”, bà Liên nhớ lại.
Mặc dù thành công lớn nhưng đến năm 1995, ấn bản “Đôrêmon” không bản quyền chính thức dừng phát hành. Sau khi mua được bản quyền, năm 1998, “Đôrêmon” trở lại với nội dung hòa hợp giữa tinh thần của ấn bản 1992 và bản gốc. Đến năm 2010, NXB Kim Đồng ngưng phát hành các đầu sách với tên “Đôrêmon”, thay thế bằng “Doraemon”, với bản dịch bám sát tiếng Nhật. Các nhân vật cũng được đổi về tên gốc thành Shizuka, Jaian, Suneo, Dekisugi. Hình thức sách cũng thay đổi, với việc in từ phải qua trái, giống cách đọc manga ở Nhật. Sau thời kỳ này, ngoài bản truyện tranh truyền thống, “Doraemon” tiếp cận độc giả qua các kênh như phim điện ảnh, phim hoạt hình dài tập, truyện tranh màu.
“Đôrêmon càng thắng lợi bao nhiêu thì vấn đề bản quyền càng nóng bấy nhiêu. NXB Kim Đồng đã tôn trọng bản quyền từ bước đi đầu tiên bằng việc ký kết với đối tác trước thời điểm Việt Nam tham gia Công ước Berne 6 năm”, bà Liên nói.
Còn đó những thách thức
Theo nhà nghiên cứu ChuKim, bộ truyện tranh Doraemon không chỉ là một hiện tượng văn hóa trong giai đoạn đầu của ngành xuất bản truyện tranh tại Việt Nam, mà còn phản ánh quá trình hội nhập và phát triển của nền văn hóa đại chúng Việt Nam. Từ phiên bản năm 1992 độc nhất vô nhị, đến phiên bản 1998 và các phiên bản sau năm 2010, “Doraemon” đã chứng tỏ sức sống bền bỉ và ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.
Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, ngành xuất bản là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đã được xác định trong phạm vi của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chúng ta nghiên cứu về con đường truyện tranh Đôrêmon/Doraemon đến Việt Nam cho chúng ta cái nhìn tổng quan nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ kiến thức về bảo vệ và khai thác sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản.
Tuy nhiên, để có được thành công như “Đôrêmon” là điều không đơn giản. Mặc dù đã có tiến bộ lớn, vấn đề thực thi bản quyền ở Việt Nam vẫn là câu chuyện rất nhức nhối. Một bộ truyện tranh vừa phát hành thì gần như ngay lập tức đã bị in lậu, bị chia sẻ lên mạng, sau đó bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận miễn phí. Nhà nghiên cứu ChuKim cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều người có thói quen đọc truyện lậu. Việc này phổ biến đến mức nó đã “thổi bay” hình thức cho thuê truyện ở Việt Nam trong khi hình thức này vẫn đang tồn tại phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
“Các trang web này không bị bất kỳ chế tài nào cả và họ rất linh hoạt trong việc thay đổi tên miền. Với trình độ công nghệ thông tin hiện tại, ngày hôm nay họ mua tên miền nước này ngày mai họ đổi sang tên miền nước khác cực kỳ nhanh”.
Cũng theo nhà nghiên cứu ChuKim, trình độ độc giả hiện nay đã rất cao và khó tính, họ đòi hỏi một tác phẩm truyện tranh không chỉ có nội dung hay mà còn cần một sản phẩm hoàn thiện tốt, hình thức đẹp. Họ sẵn sàng mua bản gốc để đối chiếu, so sánh, thậm chí còn tìm ra lỗi để sót khi biên tập. Điều này sẽ gây áp lực đối với người làm công tác xuất bản.
Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn cả, đó là số đông công chúng vẫn coi truyện tranh chỉ dành cho trẻ nhỏ. Nhà nghiên cứu ChuKim cho rằng, để xây dựng một nền tảng công nghiệp văn hóa từ phim hoạt hình và truyện tranh, trước hết phải thay đổi tư duy đó, bởi nếu cứ định vị như thế, loại hình này sẽ gặp rất nhiều rào cản.
Còn theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại – Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), quá trình hiện diện và phát triển của truyện tranh Nhật Bản ở Việt Nam mà Đôrêmon/Doraemon là đại diện tiêu biểu sẽ đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu, phát triển chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa xuất bản như là một ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo.
“Đôrêmon/Doraemon phản ánh một giai đoạn của ngành xuất bản, của truyện tranh ở Việt Nam, phản ánh sự biến chuyển trong tư duy của những người làm công tác biên tập, những người làm công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá – nghệ thuật và phản ánh sự cởi mở của độc giả. Từ góc độ nghiên cứu, bộ sách nói lên rất nhiều điều, nó cho thấy trên nền tảng sự cởi mở của độc giả thì chúng ta mới có được sự phát triển, đa dạng các biểu đạt văn hoá sau này”, bà Hà nhận định.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/cong-nghiep-truyen-tranh-viet-namtu-doremon-toi-doraemon-post313992.html