Sau đó khi tan học, các em lại đánh nhau ngay trước cổng trường dẫn đến hậu quả là một học sinh bị đa chấn thương phải nhập viện. Nguyên nhân ban đầu là vì một em cho rằng mình bị một nhóm học sinh khác “nhìn đểu”.
Đây là một trong số rất nhiều những vụ bạo lực học đường đã xảy ra mà lý do bắt đầu xuất phát chỉ từ một… ánh mắt. Để sự việc không đi xa hơn, trở thành những vụ đấm đá, gây thương tích nguy hiểm thì cần đến bản lĩnh, ý thức của người trong cuộc và sự can thiệp kịp thời, hợp lý của nhà trường, gia đình.
Sau vụ việc ở Bình Phước, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội cho rằng, nếu như giáo viên biết được hành vi gây xích mích tại trường, có sự phân tích, trò chuyện kịp thời với học sinh ngay sau đó cũng như phối hợp với gia đình các em cùng khuyên bảo, quan tâm đến con em mình thì sẽ hạn chế được rất nhiều những vụ bạo lực, va chạm tiếp theo.
“Nếu nhà trường có phòng tâm lý học đường, có chuyên gia tư vấn, học sinh được giãi bày suy nghĩ ngay khi có bức xúc thì chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu được rất nhiều những vụ bạo lực học đường tương tự, nhất là với học sinh ở lứa tuổi cấp 2, cấp 3 có tâm lý muốn khẳng định cái tôi của bản thân rất lớn” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận.
Với việc lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chính thức ban hành Thông tư 11/2024 (có hiệu lực từ ngày 4/11/2024) quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập, nhiều ý kiến bày tỏ sự vui mừng và ủng hộ. Các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng đề nghị phải có vị trí chuyên biệt về tư vấn học đường thay vì kiêm nhiệm như hiện nay.
Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 20/2023 thay thế Thông tư 16/2017 trong đó có quy định về việc mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến THPT được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì trường ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.
Thực tế, phần lớn các cơ sở giáo dục phổ thông công lập hiện đều chưa có viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học đường mà do giáo viên kiêm nhiệm làm công tác này. Ngay cả với các trường ngoài công lập cũng chỉ mới có một số ít các trường triển khai được hoạt động này với một cán bộ chuyên biệt.
Chuyên gia tâm lý, diễn giả Hiểu Linh chia sẻ, trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp hơn, tác động xã hội đến môi trường học ngày càng lớn hơn, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra ở nhiều nhà trường trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn.
Theo đó, mỗi nhà trường đều cần xây dựng được một phòng tâm lý học đường, là một không gian riêng tư để khi học sinh gặp vấn đề có thể đến đó để được lắng nghe, chia sẻ, để các em hiểu rằng mình không cô đơn. Thầy cô tâm lý sẽ giống như là một người cha, người mẹ, người bạn đồng hành để chia sẻ cùng các em.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tu-van-tam-ly-de-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-10291119.html