Chiều 25.9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) 2024 lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách. Đây cũng là lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế TP.HCM có phiên đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ.
Đổi mới sáng tạo là bức thiết để chuyển đổi kép
Phát biểu đề dẫn phiên đối thoại, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu vấn đề: Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công nghiệp TP.HCM đang đứng trước những thách thức; phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp. Có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu. Trong khi đó, quá trình phát triển vẫn còn sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Đặc biệt, phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của TP. Thế nên, để khắc phục, việc chuyển đổi ngành công nghiệp TP là hết sức cấp bách và cần thiết.
Tại các phiên thảo luận, nhiều chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình chuyển đổi thành công. Khác với mô hình phát triển của Penang (Malaysia) là phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia, GS-TS Keun Lee, chuyên gia kinh tế, Đại học Canada, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn quốc gia Hàn Quốc, cho biết Đài Bắc (Đài Loan) và Thâm Quyến (Trung Quốc) đã thành công trong việc tạo dựng các doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, giúp họ nhanh chóng bắt kịp với các thị trường tiên tiến.
GS-TS Keun Lee nhấn mạnh: TP.HCM có thể học hỏi kinh nghiệm từ Đài Bắc và Thâm Quyến trong bối cảnh TP đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, các chính quyền tại Đài Bắc và Thâm Quyến đã ban hành nhiều chính sách “can thiệp công” mạnh mẽ nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển, trong đó bao gồm cả việc phát triển mạnh đào tạo chuyên môn và kỹ năng, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng.
Bên cạnh đó, để gia tăng việc đổi mới công nghệ và khả năng sở hữu công nghệ nội địa, các chuyên gia khuyến nghị TP.HCM nói riêng và VN nói chung cần có chiến lược chuyển đổi sau giai đoạn ban đầu học hỏi từ các nguồn tri thức từ bên ngoài. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài sang cho doanh nghiệp trong nước. “Đây là một bước quan trọng giúp VN nhanh chóng đuổi kịp các quốc gia tiên tiến về công nghệ”, GS-TS Keun Lee nhấn mạnh.
Tương tự, một mô hình TP chuyển đổi công nghiệp thành công khác là Trùng Khánh (Trung Quốc), ông Trịnh Hướng Đông, Phó thị trưởng Trùng Khánh, cho rằng VN cần thiết thành lập trung tâm trung chuyển hành lang đất liền – đường biển tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Mục đích để mở rộng quy mô xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của VN đến các thị trường nội địa của Trung Quốc. Trước đó, ông Võ Văn Hoan đã chia sẻ quyết tâm của TP.HCM đến năm 2035 phải xây dựng được 180 km đường sắt đô thị và mời gọi Trùng Khánh tham gia đầu tư một trong những cấu phần của hệ thống này.
Góp ý cho sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ, các chuyên gia đến từ Israel nói sở dĩ đất nước của họ có nền khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ nhờ các thành quả nghiên cứu, dù của tư nhân hay nhà nước, đều được đưa ra thị trường và trở thành hàng hóa. Là người điều phối phiên đối thoại chính sách, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đặt thẳng vấn đề: Chính phủ đã, đang và sẽ có những chính sách ưu tiên gì để hỗ trợ doanh nghiệp lớn nhỏ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mà trước hết là với ngành công nghiệp? Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; chính sách, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ cả trên 3 lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và vật liệu mới như thế nào.
Ngoài ra, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài và TS Trần Du Lịch cũng đặt vấn đề với Chính phủ về cơ chế chính sách mới để thúc đẩy địa phương tham gia cùng Chính phủ trong cam kết Net Zero đến năm 2050; về chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới, đặc biệt sau khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết đi sâu hơn trong chuyển đổi công nghiệp là quá trình chuyển đổi kép: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Muốn vậy, việc đổi mới sáng tạo là điều bức thiết. Trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ trình Thủ tướng về việc sớm thành lập quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành thông tin, VN sẽ hướng đến việc sửa đổi luật về bảo vệ môi trường nhằm hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.
Đại diện Bộ KH-CN, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết Bộ đang xây dựng, sửa đổi dự án luật Khoa học Công nghệ Đổi mới sáng tạo, thay cho luật Khoa học công nghệ hiện nay. Trong đó, thay đổi lớn nhất là quy định sử dụng ngân sách cho các đơn vị công lập để làm dự án đề tài nghiên cứu, dự án luật lần này sẽ thay bằng sử dụng nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động khoa học công nghệ. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thu công nghệ, tăng đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, để chuyển đổi xanh hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho rằng Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên tinh thần không đầu tư thêm dự án nhiệt điện, tiến đến giảm dần điện than. Đồng thời, phải giảm tối đa phát thải, xác định nguồn điện thay thế ít phát thải hơn như từ khí thiên nhiên hóa lỏng, điện mặt trời, năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió trên bờ và ngoài khơi.
Phải xây dựng và hoàn thiện thể chế
Nêu ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng nhiệm vụ quan trọng là thực hiện chuyển đổi năng lượng, từ năng lượng phát thải nhiều carbon như nhiệt điện than sang năng lượng sạch, năng lượng xanh, có lộ trình chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than. Về phát triển kinh tế, Chính phủ xác định nguồn lực bên ngoài là quan trọng và mang tính đột phá. Từ đầu năm đến nay, thu hút FDI toàn cầu sụt giảm nhưng VN vẫn mang về 21 tỉ USD, đặc biệt giải ngân lên đến 14 tỉ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Điều đó cho thấy, thu hút vốn FDI của VN đang hiệu quả.
“Để thu hút FDI cần 3 yếu tố. Thứ nhất, cơ chế sao cho thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, giảm thủ tục, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn. Thứ hai, hạ tầng thông thoáng nhằm giúp kéo giảm chi phí logistics xuống ngang các nước tiên tiến. Thứ ba, đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…”, Thủ tướng nêu.
Phát biểu chỉ đạo kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế đêm. Muốn thành công, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua TP.HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh. Phải có giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư và với điều kiện như TP.HCM, phải làm cho bằng được.