Để thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình MTQG 1719, từ đầu năm đến nay, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn các chương trình được các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành. Công tác kiểm tra, giám sát, lắng nghe kiến nghị của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc được UBND tỉnh kịp thời tiếp thu tháo gỡ.
Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình MTQG 1719 năm 2024. Tại huyện Bác Ái, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đoàn giám sát Chương trình MTQG 1719. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, sau 3 năm triển khai huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng nguồn vốn từ năm 2022 đến năm 2024 là trên 44,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương và địa phương là trên 29,8 tỷ đồng, còn lại trên 14,8 tỷ đồng là các nguồn vốn vay tín dụng và các nguồn vốn khác.
Từ nguồn vốn được phân bổ, UBND huyện Bác Ái đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 128 hộ nghèo với kinh phí trên 9,9 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 500 hộ với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 235 hộ và đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn các xã.
Qua đó đã giải ngân hơn 25,3 tỷ đồng vốn Trung ương và địa phương phân bổ, đạt 84,81% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công hơn 19,7 tỷ đồng, đạt 88,79% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp hơn 5,6 tỷ đồng, đạt 73,28% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái giảm bình quân hàng năm trên 5%, đạt và vượt kế hoạch được giao.
Đánh giá về các nội dung của Chương trình MTQG 1719 đang được thực hiện tại địa phương, bà Pi Năng Thị Thủy – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai các Dự án, tiểu dự án về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nhằm xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới được chú trọng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo cũng có những chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Nghị quyết số 48 về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” đạt được những kết quả nhất định. Từ đó, giúp cho bà con sớm có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
“Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ đất ở, nhà ở, phương tiện sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và lồng ghép các chương trình, các dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao toàn diện đời sống đồng bào DTTS và miền núi tại các địa phương” – bà Pi Năng Thị Thủy nhấn mạnh.
Để thực hiện hiệu quả chính sách, từng bước chăm lo đời sống của bà con, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế khi thực hiện. Tính đến đầu tháng 7/2024, việc giải ngân vốn các Chương trình MTQG trên địa bàn Ninh Thuận đạt trên 37% kế hoạch; giải ngân đạt trên 61% vốn đầu tư phát triển, khoảng 20% vốn sự nghiệp. Trong đó, Chương trình MTQG 1719 đạt 13%. Kết quả này góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và có tác động tích cực đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nguồn: https://daidoanket.vn/giam-sat-tao-buoc-dem-phat-trien-ben-vung-10291121.html