Bước chân vào đại học, không ít tân sinh viên mông lung và bỡ ngỡ vì mọi thứ khác hẳn so với thời THPT. Nhiều chuyên gia tư vấn cần xác định mục tiêu ngay từ đầu năm nhất để tránh phải trả giá bằng việc thôi học giữa chừng hoặc chuyển đổi ngành học hoặc… học đại để ra trường.
Đời sống đại học thường phong phú với nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi và các hoạt động xã hội khác. Vì thế, sinh viên dễ bị phân tán dẫn đến những hệ quả đáng lo ngại.
Bên cạnh việc học, sinh viên có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa để trải nghiệm, tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Ngoài ra, cần phát triển các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ… trong suốt quá trình học nhằm đáp ứng những yêu cầu, tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp khi ra trường.
ThS DƯƠNG TRẦN MINH ĐOÀN
Lãng phí thời gian
Vào đại học, N.C. (sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) không còn bị gia đình kiểm soát. Không biết phải làm gì, cũng không có kế hoạch cụ thể, thói quen của C. là lướt Facebook, TikTok, Instagram.
C. kể bình thường vào buổi tối C. sẽ nằm và lướt mạng xã hội đến khoảng 3h sáng. Vì thức khuya dậy sớm nên hôm sau C. luôn mệt mỏi và thường cúp học, nếu đi học sẽ ngủ trong lớp.
Việc này lặp đi lặp lại trong cả một học kỳ khiến C. từ một học sinh giỏi năm cấp III giờ rớt nhiều môn. Ngoài ra, do liên tục thức khuya và ăn uống không lành mạnh, C. được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận.
Tương tự, N.T. (sinh viên năm 4 Trường Du lịch – Đại học Huế) hối hận khi những năm đầu đại học đã lãng phí thời gian do không cân bằng được các hoạt động.
Ban đầu T. chỉ đi làm thêm để kiếm tiền chi tiêu cho các sở thích cá nhân. Rồi lâu dần bạn bị cuốn vào vòng xoay làm thêm, thời gian và công sức dành cho việc học bị giảm thiểu và coi nhẹ.
“Nhiều lúc việc đi làm chiếm nhiều thời gian hơn cả việc đi học trên lớp. Lúc đó tôi chưa nhận thức rõ ràng được tại sao mình lại học đại học, tôi bị rớt nhiều môn, liên tục stress vì cảm thấy bản thân yếu kém. Hiện tại tôi phải cố gắng dồn thời gian học lại các môn bị rớt để có thể tốt nghiệp đúng hạn”, T. bộc bạch.
Khác với hai sinh viên trên, xác định tốt nghiệp sớm so với chương trình đào tạo, Tôn Nữ Phiên Trân, cựu sinh viên Trường đại học Duy Tân, đã lên kế hoạch chi tiết từ sớm và tốt nghiệp trong 3,5 năm với điểm trung bình các môn học GPA 3.84.
Trân cho biết cũng như một số sinh viên khác, hồi năm nhất vì chưa biết cách quản lý thời gian và xác định mục tiêu chính của mình, Trân tham gia khá nhiều hoạt động bên ngoài và lơ là việc học.
Bắt đầu từ năm 2, Trân nhận ra những hoạt động đó không giúp ích cho mình nhiều nên quyết định tìm hiểu sâu chuyên ngành và định hướng con đường mình muốn đi sau khi tốt nghiệp.
Trân tìm kiếm nhiều thông tin và chia sẻ của các anh chị đi trước, bắt đầu xây dựng bản thân sát với công việc đang hướng tới. Hiện Trân đang làm việc tại một doanh nghiệp ở TP.HCM.
Tránh mông lung, sa đà
Theo ThS Đào Duy Duyên – giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, nhiều sinh viên sau khi đạt được mục tiêu lớn là đỗ đại học thì không xác định được mục tiêu tiếp theo của mình dẫn đến việc mất định hướng và động lực để tiếp tục cố gắng, theo đuổi việc học.
Ngoài ra, sự chuyển tiếp từ bậc THPT sang bậc cao hơn, sinh viên giảm dần đi sự phụ thuộc và kiểm soát từ người lớn, có được nhiều cơ hội hơn để phát huy tính độc lập.
Nhưng nếu sự tự do và khả năng tự kiểm soát bản thân được nhìn nhận không đúng đắn và tận dụng không phù hợp sẽ khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy buông lỏng kỷ luật bản thân và sống một cuộc sống thiếu tính tổ chức.
ThS Dương Trần Minh Đoàn – giảng viên khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM – cho biết để tránh mông lung, quá sa đà hoạt động giải trí khác, sinh viên cần định hình rõ mục tiêu đại học ngay từ đầu năm nhất.
“Kế hoạch học tập và làm việc cần được xây dựng rõ ràng, phân chia thời gian hợp lý, tạo danh sách công việc hằng ngày, hằng tuần” – ông Đoàn tư vấn.
Để sinh sống và học tập thành công ở môi trường đại học
Việc chuyển từ môi trường học tập phổ thông sang đại học không chỉ đòi hỏi sự thay đổi về mặt kiến thức mà còn về tâm lý, cách học và khả năng thích nghi với cuộc sống mới.
Thực tế nhiều năm giảng dạy đại học và qua theo dõi trên phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy khá nhiều tân sinh viên bỡ ngỡ khi bước chân vào cổng trường đại học. Một số em có thể thích nghi rất nhanh, nhưng khá nhiều em chuyển sang môi trường sống và học tập mới khá lúng túng và kết quả học tập thường bị sút kém do nhiều nguyên nhân tạo ra.
Có em chịu hậu quả nặng nề như bị stress, học hành không tiến bộ, trượt, thi lại, thậm chí phải “bật bãi” ra khỏi trường đại học. Con số này có trường lên đến hàng trăm em, nhất là ở những trường có danh tiếng, uy tín và có truyền thống thi kiểm tra đánh giá nghiêm túc.
Sự thay đổi lớn nhất khi bước vào đại học là sự tự lập và tự chủ. Không còn thầy cô hay phụ huynh nhắc nhở hằng ngày, các em phải tự quản lý thời gian, công việc học tập và cả cuộc sống cá nhân. Điều này đòi hỏi các em phải rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch và đặt mục tiêu rõ ràng.
Thêm vào đó, tân sinh viên sẽ thấy cách học đại học khác xa so với phổ thông. Nếu ở phổ thông các em quen thuộc với việc thầy cô giảng dạy chi tiết từng câu chữ, thì ở đại học việc tự học và nghiên cứu, đọc thêm tài liệu tham khảo đóng vai trò quan trọng hơn.
Các em ít có cơ hội gặp gỡ thầy cô hơn so với khi học ở phổ thông. Các bài giảng tại đại học thường chỉ cung cấp những khái niệm cơ bản, còn việc hiểu sâu và mở rộng kiến thức phụ thuộc vào các em.
Nói chung học đại học sẽ khác xa học phổ thông về mục tiêu, nội dung, đặc biệt là cách dạy và học và thi kiểm tra đánh giá. Những chuyện quay cóp khi đi thi hay đạo văn sẽ bị trừng phạt nghiêm túc hơn nhiều lần so với học phổ thông.
Hãy tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với mọi người xung quanh. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong việc hợp tác học tập và tham gia các hoạt động xã hội.
Ngay cả những điều nhỏ nhặt như các dịch vụ ăn, ở, các cửa hàng tiện lợi, an ninh trật tự, ở đâu có thể giúp bản thân mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống học tập như vay vốn tín dụng chẳng hạn… các em càng phải để ý và biết những thông tin này để giúp mình cảm thấy tự tin và thoải mái sống và học tập trong môi trường mới.
Nhiều em có thói quen bị động ở cùng cha mẹ, khi vào học đại học thường lãng phí thời gian và tiền vào nhiều chuyện vô ích.
Thay vì quản lý thời gian hiệu quả để sắp xếp việc tự học hoặc có thể đi làm thêm, một số em lại thường lang thang tìm giải trí nơi quán net, quán xá hoặc dành phần lớn thời gian lướt mạng trong khi bỏ bê việc học.
Tâm lý này khá phổ biến do sau một thời gian căng thẳng ôn thi, về tâm lý não con người luôn muốn được xả bớt sự căng thẳng và nếu không điều chỉnh kịp thời việc học sẽ dễ gặp thất bại trong học đại học.
Kỹ năng quản lý tiền bạc rất cần thiết, việc tiêu pha nên có kế hoạch và nên dành phần tiền để tiết kiệm và dự phòng cho những tình huống khẩn cấp. Hạn chế việc chi tiêu vào những thứ không cần thiết và luôn tìm cách tiết kiệm khi có thể làm sao để an tâm về tiền bạc, không vung tay quá trán để ảnh hưởng đến các mối quan hệ và ảnh hưởng đến việc học.
Ngoài ra những vấn đề khác cũng cần phải lưu ý như tự chăm sóc sức khỏe bản thân, tập thể dục thể thao đều đặn giúp cho các em thói quen tốt rèn luyện, giảm ốm đau bệnh tật khi xa nhà…
TS HOÀNG NGỌC VINH
Nguồn: https://tuoitre.vn/xac-dinh-muc-tieu-de-khong-hoc-dai-dai-hoc-20240925225146726.htm