Hội thảo được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý du lịch địa phương, nhiều chuyên gia nghiên cứu du lịch và doanh nghiệp du lịch.
Trình bày tóm tắt Báo cáo nhiệm vụ nghiên cứu về tính mùa vụ trong phát triển du lịch tại vùng biển Bắc Trung Bộ, Thạc sĩ Hoàng Đạo Bảo Cầm (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), Chủ nhiệm đề tài cho biết: Bản chất của tính mùa vụ trong du lịch là sự mất cân đối về thời gian và không gian trong hoạt động du lịch, gây ra bởi các yếu tố tự nhiên và xã hội. Điều này dẫn đến sự biến động lớn trong nhu cầu và cung cấp dịch vụ, tạo ra thách thức cho ngành du lịch trong việc duy trì ổn định lượng khách và doanh thu trong suốt cả năm.
“Tính mùa vụ đem lại sự tập trung cao của du khách trong một thời gian nhất định đối với các phương tiện vận chuyển, gây ách tắc giao thông ở các điểm du lịch, làm mất đi sự tiện lợi trong quá trình di chuyển, lưu trú và làm giảm chất lượng phục vụ, tạo nên sức ép về môi trường đối với các tài nguyên du lịch” -Thạc sĩ Hoàng Đạo Bảo Cầm cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu nhiệm vụ, tính mùa vụ trong hoạt động du lịch thể hiện rất rõ ở khu vực Bắc Trung Bộ. Những năm qua, du lịch Bắc Trung Bộ đã có bước phát triển nhất định, nhưng kết quả kinh doanh du lịch của các tỉnh trong vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm chính hiện nay chủ yếu vẫn phát triển theo mùa vụ, còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và chưa có sự gắn kết cần thiết giữa các điểm du lịch.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần chú trọng mở rộng không gian du lịch, đặc biệt là các dòng sản phẩm có thể khai thác quanh năm, giúp khắc phục tính mùa vụ du lịch.
Tại Hội thảo, trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động du lịch theo mùa vụ tại khu vực Bắc Trung Bộ và phân tích các giải pháp đang được một số địa phương áp dụng, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh tổng hòa của tài nguyên thiên nhiên và nhân văn nơi đây.
Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm có thể khai thác quanh năm như: du lịch lễ hội; du lịch MICE; du lịch vui chơi giải trí, thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; xây dựng chính sách giá bán và các gói sản phẩm linh hoạt với từng nhóm khách hàng trong mùa thấp điểm; Tăng cường hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng do khả năng thích ứng cao của mô hình này đối với tính mùa vụ…
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Ngoài tài nguyên biển, vùng Bắc Trung Bộ còn hội tụ nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa có giá trị có thể xây dựng thành các sản phẩm du lịch giúp khắc phục tính mùa vụ, vấn đề quan trọng là cần xây dựng sản phẩm ra sao để đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của các đối tượng du khách.
Có một thực trạng là lâu nay, các địa phương thường tập trung tổ chức dồn dập nhiều sự kiện vào mùa cao điểm du lịch, dẫn đến nguy cơ quá tải khách và gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, môi trường du lịch, trong khi lẽ ra cần dành nguồn lực để tổ chức các sự kiện, hoạt động trong mùa thấp điểm để thu hút khách. Vì thế, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cần thay đổi thói quen làm du lịch theo kiểu phong trào này, cần giãn các sự kiện ra để mời gọi khách du lịch quanh năm. Bên cạnh đó, cũng cần tăng tính kết nối giữa các khu vực ven biển-đồi núi-đồng bằng trong xây dựng hành trình du lịch cho khách để đa dạng hóa sản phẩm, làm giàu có hơn trải nghiệm của du khách.
Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, giải pháp về sản phẩm còn cần đi kèm với các giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch hạ tầng, đầu tư, xúc tiến quảng bá sản phẩm, điểm đến… mới có thể thật sự khắc phục được tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.
Nguồn: https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-mua-vu-trong-hoat-dong-du-lich-khu-vuc-ven-bien-bac-trung-bo-post832903.html