Vàng lập kỷ lục, chứng khoán thế giới tăng mạnh
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng dữ dội và liên tục lập đỉnh cao trong phiên giao dịch sáng 24/9 trên thị trường châu Á. Giá vàng giao ngay có lúc lên trên 2.635 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng miếng SJC sau nhiều ngày ở mức 80-82 triệu đồng/lượng đã bứt phá, tăng 1,5 triệu đồng lên 83,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng nhẫn trơn cũng tăng mạnh và lập đỉnh cao kỷ lục mới: 81,3-81,6 triệu đồng/lượng.
Với mức giá giao ngay ở ngưỡng 2.635 USD/ounce, giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 79,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC tính tới cuối giờ sáng 24/9.
Như vậy, giá vàng trong nước, bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn, đã biến động sát hơn với giá thế giới. Tuy nhiên, giao dịch được cho là vẫn khá trầm lắng. Người dân có nhu cầu vẫn chỉ đăng ký trên các trang web của 4 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), nếu thành công thì giao dịch với các đơn vị này.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn là cơ quan duy nhất cung ứng vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng trên và SJC, từ đó các đơn vị này có vàng miếng SJC bán ra.
Với vàng nhẫn và vàng trang sức, giao dịch không bị quản lý và thanh khoản dựa trên nhu cầu của khách hàng cũng như khả năng cung ứng của các doanh nghiệp, như CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)…
Giao dịch vàng SJC được ước tính không nhiều bởi dự trữ vàng miếng của NHNN không lớn.
Theo CEIC, tính tới tháng 10/2023, vàng dự trữ của Việt Nam ở mức gần 10,3 tấn, tương đương khoảng 0,5-0,7% tổng tài sản dự trữ quốc gia. Hồi cuối tháng 4/2024, NHNN bán đấu thầu để cung ứng vàng ra thị trường hơn 1,8 tấn qua kênh này.
Giá vàng thế giới lập đỉnh trong bối cảnh Mỹ đang bước vào chu kỳ giảm lãi suất có thể kéo dài tới năm 2026 và thế giới chứng kiến nhiều bất ổn, đặc biệt tại Trung Quốc, cộng với xung đột leo thang giữa Israel và Lebanon.
Dòng tiền trên thế giới vẫn diễn biến khá phức tạp. Dù Mỹ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm nhưng lãi suất còn khá cao, 4,75%-5,%/năm, nên đồng USD chưa giảm sâu. Chỉ số DXY vẫn ở mức gần 101 điểm.
USD được cho là chưa dịch chuyển nhiều sang các thị trường khác, trong đó có châu Á, nhất là trong bối cảnh lãi suất nhiều nơi vẫn thấp hơn ở Mỹ khá nhiều. Lãi suất thấp hơn cũng giúp giảm nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ khá vững chắc với nhiều tín hiệu tích cực. Đây là yếu tố giúp chứng khoán Mỹ vẫn tăng đều và lập các đỉnh cao mới dù một số nhà đầu tư danh tiếng bắt đầu rút tiền ra khỏi chứng khoán Mỹ trước một triển vọng kém tích cực hơn trong dài hạn.
Kết thúc phiên 23/9 (rạng sáng 24/9 giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới, 5.71,57 điểm, nối dài đà tăng tuần trước, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng nhẹ và lập kỷ lục mới: 42.124 điểm.
Dòng tiền chưa đổ nhiều vào chứng khoán Việt Nam
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán ảm đạm trong phiên sáng 24/9, chỉ số VN-Index đi ngang. Tuy nhiên, tới phiên chiều, sức cầu tăng nhẹ trong khi áp lực bán khá thấp khiến số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo. Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 8,51 điểm, lên sát 1.277 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thấp, chỉ đạt 18.700 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Dòng tiền vào TTCK Việt Nam vẫn khá yếu cho dù khối ngoại trở lại mua ròng một vài phiên gần đây sau gần một năm bán ròng mạnh, nhưng lượng mua ròng khá thấp.
Trong phiên 24/9, khối ngoại vẫn bán ròng mạnh nhiều mã cổ phiếu, như VPBank (VPB), VIBBank (VIB), TPBank (TPB), Chứng khoán SSI (SSI), HDBank (HDB), Vincom Retail (VRE), trong khi chỉ mua ròng vài mã như MWG, STB…
Dòng tiền của tổ chức và cá nhân trong nước không cao. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang phải giải quyết nhiều khoản nợ trái phiếu vay vài năm trước đây, một số khác dồn tiền cho hoạt động kinh doanh cuối năm.
Thị trường bất động sản trong nước giao dịch không sôi động ở nhiều thành phố lớn nhưng giá vẫn có xu hướng tăng lên và treo cao, đặc biệt là ở Hà Nội với phân khúc chung cư và đất nền. Một số dự án hạng sang mở bán mới công bố lượng người mua lớn, chứng tỏ dòng tiền của “nhà giàu” vẫn đổ vào địa ốc.
Thị trường vàng lặng sóng nhưng đã tăng giá theo thế giới. Vàng thế giới được dự báo sẽ lên 2.700-3.000 USD/ounce vào năm tới, tương đương mức giá quy đổi khoảng 92 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng lặng sóng do nguồn cung không nhiều, lượng bán ra của các ngân hàng và SJC cũng như các cửa hàng được cấp phép vẫn hạn chế. Do đó lượng tiền đổ vào vàng nếu có cũng không thể so với các kênh khác.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/gia-vang-nhan-vot-len-ky-luc-nha-dat-tang-tien-dang-chay-vao-dau-2325413.html