NASA công bố các hình ảnh chụp tiểu hành tinh khổng lồ “có khả năng gây nguy hiểm” sau khi nó bay qua gần Trái đất.
Tiểu hành tinh mang tên 2024 ON. (Nguồn: Live Science) |
Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố những hình ảnh hấp dẫn về một tiểu hành tinh “có khả năng gây nguy hiểm” được đặt tên là 2024 ON, đã bay qua hành tinh của chúng ta hôm 17/9. Những bức ảnh chụp được cho thấy 2024 ON trông giống như một người tuyết kỳ lạ đang nhào lộn.
Tiểu hành tinh 2024 ON đã bay qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách 1 triệu km – khoảng 2,6 lần khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất. Nó di chuyển với tốc độ lên tới 31.933 km/h, gấp khoảng 26 lần tốc độ âm thanh.
Những hình ảnh được các nhà khoa học chụp cho thấy tiểu hành tinh có kích thước bằng tòa nhà chọc trời này trông có hình dáng tương tự như một củ lạc còn nguyên vỏ. Đó là vì 2024 ON chính là hai tiểu hành tinh bị hút dính vào nhau do trọng lực của chính chúng, sau khi chúng đến quá gần nhau.
Tiểu hành tinh 2024 ON được phân loại là “có khả năng gây nguy hiểm”, nhưng nó không gây nguy hiểm cho Trái đất trong tương lai gần, NASA cho biết trong một tuyên bố.
NASA coi bất kỳ vật thể vũ trụ nào đến trong phạm vi 7,5 triệu km quanh hành tinh của chúng ta là “có khả năng gây nguy hiểm”, ngay cả khi chúng không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho Trái đất. Nguyên nhân vì trong trường hợp quỹ đạo của tiểu hành tinh bị thay đổi – chẳng hạn như do nó va vào một tiểu hành tinh khác – sẽ có thể khiến tiểu hành tinh đổi hướng bay và lao thẳng vào Trái đất.
NASA theo dõi vị trí và quỹ đạo của khoảng 28.000 tiểu hành tinh bằng cách quét toàn bộ bầu trời đêm sau mỗi 24 giờ. Cơ quan nghiên cứu vũ trụ này đã tính toán quỹ đạo của tất cả các vật thể gần Trái đất và cho rằng trong ít nhất 100 năm tới, Trái đất sẽ không phải đối mặt với mối nguy hiểm nào có khả năng gây ra ngày tận thế do va chạm với tiểu hành tinh.
Từ thuở mới hình thành, Trái đất đã liên tục bị các thiên thạch, các tảng đá vũ trụ va chạm vào. Giới khoa học cho rằng những tác động đến từ ngoài không gian như vậy có một vai trò rất quan trọng trong việc đem nước đến Trái đất.
Sự sống trên Trái đất đã từng trải qua một vài lần tuyệt chủng trên diện rộng, nhưng lần chắc chắn có liên quan đến một vụ va chạm thiên thạch là sự kiện tuyệt chủng xảy ra vào kỷ Phấn trắng – Paleogen cách đây 66 triệu năm, với hậu quả là khoảng 76% các loài động vật bị tiêu diệt, trong đó có các loài khủng long.
Vào thời điểm đó, một tiểu hành tinh khổng lồ, có đường kính khoảng 10-15 km, đã va vào Bán đảo Yucatan ở Mexico, dẫn đến thảm họa toàn cầu, chấm dứt kỷ nguyên của loài khủng long. Vụ va chạm đã tạo ra hố Chicxulub, rộng khoảng 180 km và sâu tới 20 km. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử Trái đất.
Nguồn: https://baoquocte.vn/nasa-tiet-lo-hinh-anh-cua-tieu-hanh-tinh-khong-lo-va-nguy-hiem-287463.html