Thay đổi cách thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển
Sau khi Bộ GDĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, một số trường đại học dự kiến thay đổi cách thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.
Trong đó, nhiều trường top đầu dự kiến tiếp tục giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến năm 2025 chỉ dành 15% chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp, giảm 3% so với năm 2024. Phần chỉ tiêu giảm được chuyển sang xét tuyển kết hợp (tổng 83%).
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh phù hợp với thực tế. Cùng với đó, nhà trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 50% như năm 2024 còn 40%; tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.
Đáng chú ý, với phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025 đã công bố, Trường Đại học Nha Trang trở thành trường đầu tiên bỏ phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Thay vào đó, trường xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
Với điểm thi đánh giá năng lực, trường tập trung vào khả năng Toán (Toán, suy luận logic và xử lý số liệu), Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Công thức tính điểm, trọng số các môn thành phần, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được trường công bố cụ thể sau.
Bên cạnh đó, năm 2025, các kỳ thi riêng tiếp tục được các trường đại học duy trì phục vụ tuyển sinh nhưng có nhiều thay đổi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển
Việc giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được nhiều trường tính toán từ lâu. Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học cũng giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lý do bởi kỳ thi này chủ yếu phục vụ việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, đề thi dễ hơn, độ phân hoá giảm.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT được thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ.
Về phương án thi tốt nghiệp 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn.
Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Ông Hà nhìn nhận số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều và điều này nếu có cũng gây lãng phí.
Về xét tuyển đại học, việc thí sinh lựa chọn nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể gây mất công bằng. Do đó trước mắt, thí sinh vẫn chỉ được thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc giới hạn tối đa 2 môn tự chọn có thể sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, trường đại học sẽ phải đau đầu cân đối tổ hợp xét tuyển, bởi số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp tự nhiên truyền thống như A00, B00 có thể giảm. Hiện số em chọn học đồng thời các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở THPT không nhiều; chưa kể việc chỉ được chọn tối đa 2 môn có thể khiến học sinh có xu hướng chọn Tiếng Anh và một môn khác, nhằm tăng số lượng tổ hợp xét tuyển đại học.
Ngoài các tổ hợp truyền thống, một số trường dự kiến bổ sung các tổ hợp phù hợp với các bài thi tự chọn mới như: Tin học, Công nghệ. Mỗi tổ hợp xét tuyển vẫn gồm 3 môn, trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-co-lam-thay-doi-cach-tuyen-sinh-dai-hoc-10290989.html