Tôi và Xuân Tửu cùng nghề giáo sang làm Báo Vĩnh Phúc. Tháng 8 năm 1967, hai chúng tôi đạp xe lên tác nghiệp ở huyện lúa Vĩnh Tường. Xong việc ghé thăm nhà giáo Phan Hữu Hưởng – cộng tác viên xuất sắc của báo ở thôn Thượng, xã Tuân Chính. Anh Hưởng rất muốn làm báo, nên thăm cũng cốt để nghe rồi báo cáo với Tổng biên tập.
Vợ Phan Hữu Hưởng đon đả mở cổng, lời òa theo: “Ôi. Các anh là nhà giáo với anh Hưởng ư?”. Chúng tôi đáp: “Vâng. Xưa cùng dạy ở huyện này!”. Chị reo lên: “Nhà giáo là nhất rồi. Vợ con, làng xã được nhờ!”… Chuyện nhà giáo, nhà báo xen cài rôm rả. Đon đả chạy lên chạy xuống pha trà, rót nước, đón chuyện cùng chồng…, tự dưng chị sững lại, giọng méo xệch: “Thế ra hai bác lại là nhà báo ư?”. Chúng tôi đáp: “Vâng!”… Anh Hưởng đế theo: “Thỏa sức vẫy vùng. Ao ước được như hai anh!”… Chị vọt dậy xuống bếp, ngoái mắt sắc lẻm, giọng thườn thượt: “Cái nghề chạy nhông. Theo ngay đi!”… Phan Hữu Hưởng rôm chuyện để đậy lại… Nhưng, lời chị vẫn lách vào tai chúng tôi miên man suốt cả đời nghề!…
Ấn phẩm “Bố, con với thời cuộc”, ông Xuân Tửu với 32 bài, khi là giai phẩm, lúc là tiểu phẩm xếp gọn trong chuyên mục: Những điều trông thấy. Hầu hết bài viết ở thời điểm Phú Thọ – Vĩnh Phúc hợp nhất thành Vĩnh Phú ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước. Thời ấy ông Xuân Tửu là Phó Tổng biên tập Báo Vĩnh Phú; khi tái lập tỉnh là Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc. Thời gian xa ngái, nay ông đã 85 tuổi vẫn lưu giữ được những bài viết nhỏ để vào chung tập sách với con trai út Tri Thức 50 tuổi, là Ủy viên Ban Biên tập, Tạp chí Cộng sản, kiêm giảng viên kiêm chức của Hội Nhà báo Việt Nam…
Tôi yêu quý những bài viết ở thời xa lắc; thời mà trăm vạn thứ thiếu thốn, tất cả công việc làm nên đều nhờ lòng đam mê, cần cù và nhẫn nại. Cả tòa soạn chỉ có vài chiếc máy ảnh do Liên Xô tài trợ, vài chiếc máy chữ cổ lai hy, mấy chiếc điện thoại để bàn, lụi hụi xếp chữ chì để in báo; ai dám nghĩ đến chuyện làm báo thông minh, hiện đại như bây giờ… Nghĩa là làm báo phải có con mắt tinh tường, yêu người, yêu nghề, yêu dân, yêu Đảng, yêu thắm thiết quê hương Tổ quốc; chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước…
Xuân Tửu thấm rất sâu trong gan ruột như thế. Ông luôn cùng anh em chịu đi, chịu đến, chịu nghĩ, chịu viết kể cả những bài rất ngắn bằng những gì ông trông thấy, đưa in báo, lưu giữ và vào chuyên mục của tập sách. Nói thì giản đơn, nhưng đó là một cách nhìn nhận, khai thác, xem xét, quyết định loan tin và lưu giữ. 32 bài viết là những vấn đề ở quanh ông, là nhân thế, nhân sinh, là thời cuộc nếu không làm tốt thì sẽ là có tội với dân, với nước.
Ví như, ông viết “Chẳng lẽ đặt vòng cho nam giới?”. Ấy là chuyện ở Sở Công nghiệp. Đơn vị có 7 nữ, trong đó 2 người hết tuổi đẻ. Số người trong diện được đẻ chỉ có 2. Như vậy chỉ tiêu phải đặt vòng là 3. Vậy mà Phòng Y tế Việt Trì giao chỉ tiêu cho sở phải đặt tới 13 vòng tránh thai (năm 1986)!… Ông phê phán cái thói quan liêu, tùy tiện, đáng cười và đầy chua chát!…Ông vạch chuyện “Cấm đi xe trên đê mùa mưa bão”, thế nhưng cứ nộp lệ phí 3.000đ (có phiếu thu) thì xe nào cũng đi !… Ông đả phá “Khéo chọn”. Đại thể, chỉ trong vài năm giám đốc công ty nọ sa thải tới 7 vị thủ kho. Lỗi chính do họ lấy của kho làm của riêng. Họ bị phế truất, có người bỏ đi, có kẻ vào tù… nhưng chẳng ai phải đền… Kho cạn! Giám đốc bị cơ quan phỉ báng!… Tác giả chế nhạo thói trọng tiền qua bài “Mời ai?” của một cán bộ có hàm cấp, tổ chức lễ cưới cho con nhưng chỉ mời những người khá giả về tài chính cốt để nhận quà mừng; những người thân tình như nhà giáo, y tế, kỹ sư thì vắng tanh vắng ngắt!…
Nghĩa là, theo dòng thời cuộc ở cái thời xa lắc xa lơ ấy, Xuân Tửu trông thấy biết bao điều ngang trái, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, vô trách nhiệm ở nhiều lĩnh vực, ngành, cấp… với trách nhiệm nghề báo, ông đã “ra đòn”! Dù viết dưới dạng giai thoại, nhẹ nhàng… nhưng mà đau, mà đắng, mà thấm rất sâu vào danh dự!
“Nhói lòng suy thoái” là chuyên mục của Tri Thức trong tập sách.
Phải nói ngay, Tri Thức là nhà báo thành đạt, người đời thường nhắn nhe trên mạng với bố mẹ anh là Xuân Tửu và Cẩm Tú rằng: “Nhà có phúc!”… Ấy là tôi cũng ngẫm như vậy. Nói theo dân gian “Con hơn cha là nhà có phúc”!… Tri Thức là nhà báo trẻ nhưng rất năng nổ, giàu tài năng, chăm đi, chăm viết, viết tốt. Sống chân tình với mọi người một cách có trên có dưới. Giàu tình cảm và rất có trách nhiệm với gia đình, bố mẹ, vợ con như cái lẽ phải có ở đời…
Ngày sắp ra trường ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Tri Thức đã được lãnh đạo Báo Lao Động – tờ báo danh tiếng của chính giới – nhận về công tác. Làm tốt ở đó nên sau lại được Tạp chí Cộng sản của Đảng lấy về “cầm trịch” tờ chuyên san Hồ sơ sự kiện. Đồng nghiệp, công chúng biết đến Tri Thức không chỉ ở bài báo mà còn là người có học hàm, học vị, giảng dạy nghề báo ở rất nhiều địa phương trong nước. Tri Thức cũng là tác gia sáng danh của nhiều ấn phẩm chính luận và văn học…
“Nhói lòng suy thoái” của anh níu tôi đọc quên mình đã ở tuổi 85 chân chậm mắt mờ. Anh viết tiểu phẩm, chính luận, giai thoại phê phán đủ điều, đủ lĩnh vực từ ông to, bà lớn; từ Trung ương, địa phương, ngành, cấp, bộ, ban… gây tội lỗi, cái xấu, cái sai; phạm pháp… Tác giả nói đâu ra đó, dẫn đâu thấy đó, có lý, có tình, chặt chịa! 32 bài viết của anh trong tập là kỳ công của nghề nghiệp. Cũng giống với bố Xuân Tửu, phần nhiều các bài phê phán của Tri Thức là trông thấy. Nhưng anh lợi thế hơn chúng tôi là ở chỗ thời thế và thời cuộc phát triển, biến đổi mạnh mẽ. Tri Thức có nhiều cái để học, để nắm bắt ấy là thông tin mạng, Internet, facebook… là máy ảnh thông minh, là truyền hình, là đài tiếng nói đa tiếng các quốc gia… Nghĩa là giúp nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đa dạng, nhiều chiều; có tư duy khoa học nên Tri Thức chọn tư liệu thông tin, viết, trích dẫn chính xác, để lại niềm tin quý cho người đọc. Hơn nữa anh có cái nhìn, cách nhìn, chọn lựa chi tiết, tình tiết, lối quan sát rất chuẩn của nghề báo.
Là nhà báo, nhà quan sát, người “cầm trịch” nên luôn có cách viết, cách quyết định loan tin đúng chỗ, đúng thời điểm… khiến người được thông tin mãn nguyện. 32 bài viết trong tập đã nói lên điều đó… Bài (Thuốc trị “bệnh” nịnh) anh nhẹ nhàng phân tích về thói vuốt ve, xu nịnh, bợ đỡ… trong tập thể cơ quan rất cần ngăn chặn. Và nói thẳng: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng chỉ đạo, điều hành phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.
Bài (Đánh thức “lương tâm mùi tiền”) anh dẫn dụ phê phán bao thói hư tật xấu tạo ra thực phẩm để kiếm tiền trong dịp tết là sự nhắm mắt để đầu độc đồng bào mình. Và, nhắc nhở “Chỉ khi “lương tâm mùi tiền” được đánh thức, và rồi biết ăn năn, sám hối thì vấn nạn an toàn thực phẩm ngày tết mới có thể lắng dịu, nguôi ngoai”!…
Sau mỗi bài phê phán, tác giả giống như thầy thuốc giỏi chỉ ra phép trị hữu hiệu. Ví như bài (Mối họa từ “người giả”) chỉ rõ: “Nếu xã hội còn thờ ơ với những mối họa từ “người giả”, e rằng nguy cơ phai nhạt niềm tin, sự thối chí, bàng quan, chùn bước trước cái xấu, cái tiêu cực, cái “chướng tai gai mắt” sẽ còn diễn ra. Thế nên, đấu tranh chống “người giả” còn quan trọng, cấp bách hơn cuộc chiến với hàng giả”! Anh đề cao cái thực của con người, của người lãnh đạo: “Cái mã bên ngoài ấy, có thể là nhà đẹp, xe sang, hàng hiệu, học hàm, học vị, bằng cấp. Nhưng cái bên trong mới quan trọng, quyết định, bởi đó là trí tuệ, đạo đức, khát khao cống hiến, đặt lợi ích tập thể, nhân dân lên hàng đầu. Còn đỏ chưa hẳn đã chín, ấy là đỏ giả…” (Đỏ giả và đẹp mã).
Anh một lòng vì đảng, vì dân; sát sao theo dõi, kip thời lên tiếng, phân tích chỉ ra điều hay lẽ phải trong mỗi việc làm cần thiết: “Có thể cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong thời gian qua thực sự là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm thêm một lần tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác” (Tín nhiệm và niềm tin).
Anh quan niệm: “Yêu nước” được đặt lên đầu tiên, tiếp đến là sự “tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc” đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Việc nêu cao tinh thần yêu nước gắn chặt với “lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” đó là những điều mỗi cán bộ, đảng viên phải có… Cán bộ bị bắt vì vi phạm pháp luật là lẽ đương nhiên, anh viết: “Cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý, bị khởi tố, truy nã, điều ấy cũng không còn xa lạ, bởi pháp luật được xem trọng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự không có vùng cấm” (Cán bộ bị bắt).
Anh nhắc nhở, cán bộ, đảng viên phải luôn tránh 5 loại “chạy” mà Bộ Chính trị đã chỉ ra: “Chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử” (Chống chạy chức. chạy quyền). Và trong bài Đừng để là “Tâm gương tầy liếp”, anh nhắc: “Ngày 25/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 08i-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương. Quy định gồm 4 điều, khẳng định rõ rằng “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.
64 bài viết trong tập sách, đọc rồi ngẫm ra bố con nhà báo Xuân Tửu – Tri Thức nhất tâm nhắn nhủ với người đọc: Cái quý của con người là danh dự, là sống cho hay, cho đẹp, cho ta và cho xã hội ngày một hơn lên. Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”… “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài Cán bộ nhận hối lộ và số tiền khổng lồ nộp lại)…
“Bố, con với thời cuộc” là tập sách quý do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành. Xin trân trọng cảm ơn và vui mừng thông tin cùng bạn đọc!
Nhà báo Nguyễn Uyển
Nguồn: https://www.congluan.vn/vi-nhung-dieu-thieng-lieng-cao-quy-nhat-post313615.html