(VTC News) – Thủ tướng vừa ký Công điện về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo Công điện số 99/CĐ-TTg ngày 23/9/2024 của Thủ tướng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây biến động giá cả và nguồn cung hàng hóa, dịch vụ nhất là xăng dầu, nguyên vật liệu, cước vận tải, giá vàng…Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Để tiếp tục bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống.
Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình (từ đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.
Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch xăng dầu cho năm 2025 và các năm tiếp theo; dứt khoát không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung như năm 2022. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng, trước Nhân dân nếu để xảy ra thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Thường xuyên theo dõi sát các diễn biến thị trường hàng hóa thế giới và trong nước, tình hình thiên tai, bão, lụt để có kế hoạch dự phòng, bảo đảm cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn để khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo đúng quy định pháp luật, không để lợi dụng vi phạm pháp luật.
Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có kế hoạch, phương án sản xuất, phân phối, dự trữ, điều tiết, bán lẻ xăng dầu phù hợp, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.
Công điện của Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn theo quy định; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu, hóa đơn điện tử…
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng.
Vtcnews.vn
Nguồn:https://vtcnews.vn/thu-tuong-chi-dao-tuyet-doi-khong-de-gian-doan-nguon-cung-xang-dau-ar897752.html