Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – UPCoM: ABB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với điểm sáng là khoản lãi sau thuế tăng gần gấp 6 lần cùng kỳ lên 311,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do trong kỳ, ngân hàng đã tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 34% xuống còn 463 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cũng giảm 6% còn 520 tỷ đồng.
Đồng thời, khoản lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ lên 440 tỷ đồng cũng góp phần thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng.
Dù vậy, các khoản thu khác ngoài lãi của ABBank lại ghi nhận sự sụt giảm với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 45% xuống còn gần 856 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 62% xuống còn gần 2 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến ABBank lỗ 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 81 tỷ đồng. Chỉ có lãi thuần từ hoạt động khác là tăng trưởng 8% lên 67 tỷ đồng.
Trong quý II/2024, khoản thu chính là thu nhập lãi thuần của ABBank cũng chỉ nhích nhẹ 2% so với cùng kỳ lên gần 794 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và chi phí hoạt động giảm, lãi thuần từ hoạ động kinh doanh của ngân hàng vẫn tăng 11% lên 853 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, ABBank ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 7% xuống còn 1.455 tỷ đồng. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế 582 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 465 tỷ đồng, giảm 14% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Dù quý II khởi sắc, nhưng do trong quý I, các chỉ tiêu chính của đều đi lùi với thu nhập lãi thuần giảm 16,4%, lợi nhuận sau thuế giảm 69% nên nửa đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của ABBank vẫn tăng trưởng âm.
Năm 2024, ABBank đặt ra kế hoạch lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý II/2024, ngân hàng đã cán mốc 58% chỉ tiêu đề ra.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của ABBank ghi nhận ở 152.145 tỷ đồng, giảm 6% so với cuối năm 2023.
Trong đó, cho vay khách hàng đạt 89.613 tỷ đồng, giảm 7,4% so với cuối năm trước. Tiền gửi của khách hàng đạt 85.516 tỷ đồng, giảm 14,5%.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của ABBank tại thời điểm cuối tháng 6/2024 là 3.228 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay từ 2,91% cuối năm 2023 lên 3,55%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 18,4% lên 867 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 11% xuống còn 969 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 34% lên 1.392 tỷ đồng.
Hồi giữa tháng 7, tổ chức xếp hạng Moody’s Ratings đã quyết định hạ bậc xếp hạng của ABBank.
Theo đó, xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn (LT) của đồng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) của ABBank đã giảm từ B1 xuống B2. Đồng thời, Moody’s đã hạ cấp đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của ngân hàng từ b3 xuống b2.
Ngoài ra, Moody’s cũng điều chỉnh đánh giá rủi ro đối tác (CRRs) của LT FC và LC (dài hạn với đồng ngoại tệ và nội tệ) từ Ba3 xuống B1, rủi ro đối tác dài hạn (LT CR) từ Ba3 (cr) xuống B1 (cr). Moody’s cũng thay đổi triển vọng của ABBank từ “tiêu cực” sang “ổn định” .
Theo Moody’s, việc hạ xếp hạng dài hạn và BCA của ABBank phản ánh các chỉ số tín dụng của ngân hàng suy yếu. Dự báo, vốn hóa và lợi nhuận của ngân hàng sẽ chịu áp lực trong 12 đến 18 tháng tới, do chi phí dự phòng liên quan đến các khoản nợ khó đòi được bán cho VAMC.
Chất lượng tài sản của ngân hàng đã suy giảm trong 2 năm qua dưới bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại, gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nho-dau-ma-abbank-lai-quy-ii-2024-gap-6-lan-cung-ky-204240801102408534.htm