Chỉ nhìn nhau không dễ lây bệnh đau mắt đỏ
Theo Bộ Y tế, trong và sau mưa lũ, ngập lụt, có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh; là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển, gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết… Trong đó, các bệnh về mắt thường gặp là viêm kết mạc (đau mắt đỏ), viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Đau mắt đỏ là bệnh rất dễ bùng dịch.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư, đau mắt đỏ khởi đầu thường là một mắt đỏ vằn, sưng, ra gỉ nhiều khiến mi dính chặt, cảm giác cộm như có cát ở trong mắt. Vài ngày sau, mắt còn lại cũng vậy. Thời gian này cũng là thời gian ủ bệnh cho một lây nhiễm mới sang bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay bất cứ ai tiếp xúc gần với bệnh nhân qua hơi thở, nước bọt; qua tiếp xúc trực tiếp qua con đường tay – mắt, dùng chung vật dụng.
“Không dễ đến mức chỉ nhìn thấy nhau cũng làm cho lây đau mắt đỏ, nhưng hãy hình dung như sau: mắt đầy virus dây ra tay, tay lan ra đồ vật cầm nắm, người khác cầm nắm đồ vật ấy lại dính ra tay rồi đưa lên mắt của mình… Cứ vậy, trong nhà, ra phố, thang máy, siêu thị, nơi làm việc, chưa kể nói chuyện cự ly gần, ôm hôn, quan hệ vợ chồng cũng gây nhiễm bệnh”, bác sĩ Cương lưu ý.
Theo bác sĩ Cương, để phòng lây nhiễm tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ, cần rửa tay nhiều lần bằng xà phòng hay nước rửa tay chuyên dụng, kiên trì đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa mắt buổi sáng và khi đi làm về, sát trùng đều đặn dụng cụ khám mắt
Thực tế là không phải ai cũng bị bệnh đau mắt đỏ và khi bị bệnh thì ai cũng phải đi bệnh viện. Đau mắt đỏ toàn phát sẽ biểu hiện ở cả hai mắt. Nhỏ nước muối sinh lý thông thường thì bệnh cũng sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày. Rất nhiều người bệnh chỉ thoáng qua, chưa kịp dùng thuốc đã khỏi. Đặc biệt là những người lây nhiễm sau cùng trong chuỗi lây nhiễm.
Tuy nhiên, bác sĩ Cương cũng lưu ý: “Những trường hợp sau 7 ngày vẫn còn bệnh, có chói mắt, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều đều bị coi là bất thường, cần đi khám mắt để được bác sĩ chuyên khoa mắt kê đơn thuốc phù hợp”.
Ngừa lây nhiễm đau mắt đỏ và bệnh dịch do ruồi
Theo Bộ Y tế, đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp là bệnh lý theo mùa, gây dịch quy mô nhỏ kiểu liên gia đình, thường do nhóm virus adeno gây nên. Một số chủng virus khác cũng có thể gây ra đau mắt đỏ cùng kiểu diễn biến và triệu chứng lâm sàng như virus entero, coxsackie…
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ.
Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
Bọ Y tế khuyến cáo, cần chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành. Ruồi là trung gian truyền nhiều mầm bệnh cho con người từ những nơi ô nhiễm. Ruồi sinh sản rất nhanh và nhiều nên mỗi khi có dịch bệnh do ruồi truyền xảy ra, bệnh lan tỏa khá nhanh.
Biện pháp phòng ngừa hiệu quả loài ruồi là thực hiện công tác vệ sinh, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, làm mất hoặc hạn chế ổ đẻ của ruồi nhặng; loại trừ các nguồn nhiễm bẩn và ngăn cản ruồi tiếp xúc với thức ăn, vật dụng và con người.
Nguồn: https://thanhnien.vn/canh-bao-ve-loai-ruoi-lay-truyen-benh-dau-mat-do-sau-lu-lut-185240923102754116.htm