Nhật Bản đang đối mặt với cuộc tranh luận lớn về việc tăng lương cho giáo viên. Trọng tâm của cuộc tranh luận xoay quanh đề xuất từ Hội đồng Giáo dục Trung ương Nhật Bản nhằm tăng khoản lương bù đắp cho giờ làm thêm của giáo viên- một chính sách chưa từng được điều chỉnh trong hơn 50 năm qua.
Người trẻ không còn cạnh tranh làm giáo viên
Số lượng người tham gia kỳ thi tuyển dụng giáo viên tại Nhật Bản đã giảm liên tục trong 6 năm qua. Theo báo cáo từ The Mainichi, kỳ thi tuyển dụng giáo viên cho năm học 2023 đã ghi nhận con số thấp kỷ lục, với chỉ 3,4 người dự thi cho mỗi vị trí, giảm 0,3 điểm so với năm trước.
Điều này phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về sức hút của nghề giáo trong giới trẻ tại đất nước mặt trời mọc. Để tăng số lượng ứng viên, việc cải thiện môi trường giảng dạy là điều cấp bách, không chỉ để thu hút người tài mà còn đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh, từ đó tạo ra một thế hệ có năng lực và trách nhiệm.
Ý tưởng “đầu tư vào con người” của Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida là một phần quan trọng trong chính sách kinh tế của ông, cũng áp dụng cho lĩnh vực giáo dục.
Theo báo cáo từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2019, giáo viên trung học cơ sở ở Nhật Bản có số giờ làm việc trung bình cao nhất trong số 48 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, mức 56 giờ/tuần, trong khi mức trung bình của các quốc gia thành viên là 38,3 giờ/tuần.
Đây là lần thứ hai liên tiếp OECD ghi nhận giáo viên Nhật Bản có số giờ làm việc dài nhất và so với cuộc khảo sát trước, năm 2013, con số này đã tăng 2,1 giờ.
Nhận lương cho việc làm ngoài giờ
Đài NHK đưa tin, ngày 19/4/2024, Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Giáo dục Trung ương, phối hợp với Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) đã đưa ra dự thảo đề xuất nhằm tăng khoản lương cho giờ làm thêm của giáo viên, từ mức 4% lương hàng tháng hiện tại lên ít nhất 10%.
Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức lớn, như thiếu giáo viên, giờ làm việc kéo dài và áp lực công việc gia tăng.
Dù đề xuất này có thể giúp tăng đáng kể thu nhập hàng tháng cho giáo viên, nhưng vẫn tồn tại nhiều tranh cãi, đặc biệt từ những người cho rằng cải cách này chưa đủ để giải quyết các vấn đề hệ thống trong lực lượng lao động ngành giáo dục của Nhật Bản.
Giáo viên tại Nhật Bản nhận khoản lương làm thêm giờ, tính ở mức 4% trên tổng lương hàng tháng, bất kể số giờ làm thêm thực tế là bao nhiêu. “Làm thêm giờ” ở đây ám chỉ công việc mà giáo viên thực hiện ngoài giờ chính thức, gồm chuẩn bị bài giảng, chấm bài, tham dự các cuộc họp, tư vấn cho học sinh, hoặc tham gia hoạt động ngoại khóa.
Hệ thống này được thiết lập dưới Luật Đặc biệt về Lương bổng (Kyutokuho) hơn 5 thập kỷ qua, dựa trên giả định rằng giáo viên sẽ làm thêm khoảng 8 giờ/tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít giáo viên làm việc nhiều hơn con số đó, và hệ thống hiện tại bị chỉ trích vì không phản ánh đúng khối lượng công việc thực tế của họ.
Đề xuất mới, yêu cầu tăng tỷ lệ lương làm thêm từ 4% lên 10%, sẽ là thay đổi lớn đầu tiên về lương giáo viên trong 50 năm qua. Theo tính toán của MEXT, một giáo viên có mức lương cơ bản là 300.000 Yên (khoảng 51 triệu đồng) sẽ có thu nhập hàng tháng tăng từ 12.000 Yên (khoảng 2 triệu VNĐ) lên 30.000 Yên (5,1 triệu đồng). Đề xuất này cũng sẽ dẫn đến tăng chi tiêu công, ước tính chi phí lên đến 210 tỷ Yên (khoảng 36,2 nghìn tỷ đồng).
Theo Trading Economics, trong giai đoạn từ 1970 đến 2024, mức lương trung bình hàng tháng của tất cả các ngành nghề tại Nhật Bản vào khoảng hơn 320.000 Yên (tương đương 54,7 triệu đồng). Với mức lương cơ bản khoảng 300.000 Yên, có thể thấy thu nhập của nghề giáo khá gần với mức trung bình cả nước. Điều này khá phổ biến đối với các công việc trong khu vực công ở nhiều quốc gia.
Tăng nhưng không theo thực tế
Dù mức tăng lương có vẻ đáng kể, đề xuất này đã làm dấy lên tranh cãi về các tác động rộng hơn của hệ thống Kyutokuho. Những người chỉ trích cho rằng việc dựa vào một tỷ lệ lương cố định cho giờ làm thêm, thay vì tính theo số giờ thực tế, không phản ánh đúng thực trạng nghề giáo hiện nay.
Nhiều giáo viên thường làm việc quá giờ quy định trong khi cấu trúc cứng nhắc của hệ thống Kyutokuho không tính đến công việc thêm này, khiến nhiều thầy cô cảm thấy không công bằng.
Trong khi đó, những người ủng hộ cải cách bảo vệ khung lương hiện tại, lập luận rằng đặc thù của nghề giáo khiến việc đo đếm giờ làm trở nên phức tạp. Giảng dạy không chỉ yêu cầu sự sáng tạo và linh hoạt mà còn đòi hỏi cả tâm huyết và tinh thần cống hiến.
Những điều này không dễ dàng được xác định trong các tiêu chuẩn giờ làm thêm thông thường. Dự thảo của ủy ban, dù thừa nhận các lo ngại này, vẫn không thay đổi toàn bộ hệ thống.
Bên cạnh việc tăng lương làm thêm giờ, đề xuất còn bao gồm nhiều cải cách nhằm cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên.
Một trong những cải cách quan trọng là tạo ra một vị trí mới nằm giữa hai cấp bậc “giáo viên” và “giáo viên cao cấp”. Vị trí này sẽ có mức lương cao hơn và đi kèm với nhiều trách nhiệm hơn. Điều này không chỉ mang lại cơ hội thăng tiến cho giáo viên, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho cả giáo viên mới và giáo viên giàu kinh nghiệm.
Đề xuất còn đề cập đến việc cung cấp thêm các khoản phụ cấp cho giáo viên chủ nhiệm và cải thiện phụ cấp quản lý. Giáo viên chủ nhiệm tại Nhật Bản thường phải đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm, chẳng hạn như chăm sóc học sinh và xử lý các công việc hành chính, nhưng không được trả công xứng đáng.
Mở rộng hệ thống giáo viên chuyên môn là một sáng kiến quan trọng khác. Hiện tại, hệ thống này chỉ áp dụng cho giáo viên lớp 5 và lớp 6, nhưng đề xuất mới muốn mở rộng cho cả lớp 3 và lớp 4. Điều này sẽ giúp giáo viên từ lớp 3 chỉ cần tập trung dạy một vài môn nhất định, thay vì phải dạy nhiều môn. Nhờ đó, chất lượng giảng dạy sẽ được cải thiện và giáo viên cũng bớt căng thẳng, giảm nguy cơ kiệt sức do phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc.
Cuối cùng, đề xuất nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai nhiều nhân viên hỗ trợ hơn để giúp giáo viên quản lý khối lượng công việc và nhu cầu của học sinh.
Mặc dù việc tăng lương và cải cách liên quan sẽ yêu cầu tăng chi tiêu công đáng kể, những người ủng hộ cho rằng các thay đổi này là cần thiết để thu hút và giữ chân giáo viên chất lượng cao. Khi tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục là vấn đề nan giải tại Nhật Bản, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, mức lương cạnh tranh và điều kiện làm việc tốt hơn được coi là yếu tố quan trọng để duy trì sức mạnh của hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, một số người cho rằng trọng tâm là thay đổi hoàn toàn hệ thống Kyutokuho, thay vì chỉ tăng lương. Nếu không giải quyết các vấn đề cốt lõi như kỳ vọng không thực tế đối với giáo viên và việc không trả công xứng đáng cho số giờ làm thêm, các cải cách này chỉ là giải pháp tạm thời.
Khi Ủy ban Giáo dục Nhật Bản đang xúc tiến các khuyến nghị của mình thì trọng tâm vẫn sẽ là tìm cách cân bằng giữa việc trả lương công bằng cho giáo viên và duy trì chi tiêu công bền vững. Kết quả của các thảo luận này có thể sẽ có tác động sâu rộng không chỉ đối với giáo viên tại Nhật Bản mà còn đối với tương lai của hệ thống giáo dục nước này.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/luong-giao-vien-cao-van-tranh-cai-tang-them-10-thu-nhap-2324435.html